Tín hiệu khả quan trong thu hút đầu tư tháng đầu năm

18:12' - 04/02/2019
BNEWS 8 dự án đầu tư đã dược tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp mới trong tháng 1/2019.
Du lịch là một trong những thế mạnh thu hút đầu tư của Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Trong tháng 1/2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp mới 8 dự án đầu tư; trong đó, có 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 60 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 5.763 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 1 dự án tăng vốn đăng ký thêm khoảng 7.412 tỷ đồng.

Đáng chú ý là dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế tại khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với tổng vốn đầu tư 3.330 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao tăng vốn đăng ký từ 21 triệu Euro lên 30 triệu Euro...

Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút và triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, như: Dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, Khu du lịch quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, dự án Bến số 2 - Bến số 3 Cảng Chân Mây; dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây…

Tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, từ một vài dự án kinh doanh dịch vụ du lịch, công nghiệp và cảng biển ban đầu, đến nay ở đây đã thu hút gần 50 dự án với tổng vốn đăng ký trên 76.000 tỷ đồng.

Riêng dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô do Công ty Cổ phần quốc tế Minh Viễn làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 102ha, bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động vào quý I/2024; trong đó, giai đoạn I của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng cô có lợi thế cảng Chân Mây với lượng hàng hóa thực hiện đến nay đạt hơn 2 triệu tấn/năm hàng hóa qua cảng. Bình quân mỗi năm cảng cũng đón được 60 tàu du lịch với gần 200.000 lượt khách; trong đó, có những tàu đạt tiêu chuẩn 5 sao như tàu Queen Elizabeth của Anh, dài 297m, chở tới 2.000 khách.

Trong tương lai, cùng với các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, việc hình thành Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng chính của khu vực này, trở thành cầu nối với thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Ông Lê Văn Tuệ, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, quý I/2019, đơn vị này sẽ hoàn tất thủ tục để cấp phép đầu tư cho 3 dự án lớn khác, bao gồm: Dự án khu du lịch Lăng Cô - Đầm Lập An, diện tích xây dựng 126ha, vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng, đây là dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư theo Quyết định số 2695 của UBND tỉnh; dự án khu du lịch Bãi Cả với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng và dự án chợ Lăng Cô với tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng.../.

>>> Doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đến lĩnh vực kinh tế xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục