Tinh gọn bộ máy để nâng cao chất lượng quản lý thị trường

20:20' - 08/08/2020
BNEWS Tổng cục quản lý thị trường đã giảm 235 Đội và sẽ tiếp tục giảm xuống 376 đội quản lý thị trường theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, ngay từ những ngày đầu được tổ chức lại, Tổng cục Quản lý thị trường đã xác định cải cách hành chính là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mọi hoạt động.

Tính đến hiện nay, Tổng cục đã giảm được 235 Đội quản lý thị trường và sẽ tiếp tục giảm 70 đội trong năm 2020 còn 376 đội quản lý thị trường, giảm 16% theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường.

Việc tinh gọn bộ máy, giảm đội không làm giảm đi hiệu quả kiểm tra, kiểm soát mà còn tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý. Sự chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.

Những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện nhiều chương trình, tổ chức triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đó làm tốt việc quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đồng thời, thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Kỳ Minh-Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại chợ Bến Thành, trung tâm thương mại Sài Gòn Square; phát hiện dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống kinh doanh mỹ phẩm Ansan Cosmetics tại TP. HCM; tấn công vào tổng kho hàng lậu hơn 10.000 m2 ở Lào Cai góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19 của lực lượng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Hơn nữa, ngay từ năm 2019, Tổng cục đã đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cở sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; cơ sở dữ liệu và thống kê xử phạt hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu (Tổng cục và 63 Cục địa phương).

Ngoài ra, Tổng cục đã xây dựng và đưa vào áp dụng chính thức phần mềm quản lý tài chính cho toàn lực lượng tại địa chỉ http://fin.dms.gov.vn/ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách; công khai, minh bạch trong sử dụng, thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định.

Mặt khác, Tổng cục Quản lý thị trường còn thực hiện việc hiện đại hóa hành chính đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, xử lý, trao đổi văn bản điện tử; xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ thực thi công vụ; phát triển hạ tầng kỹ thuật và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động của Tổng cục thời gian qua, Tổng cục đã chuyển đổi, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động theo quy định.

Đối với cải cách thể chế, trong năm 2020, Tổng cục cũng được Bộ giao xây dựng 2 thông tư; đồng thời tiếp tục đăng ký xây dựng 3 thông tư vào Chương trình xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 của Bộ.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn chỉ ra rằng hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Không dừng lại ở đó, năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường chưa đồng đều, còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường mỏng nhưng phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao.

Hơn nữa, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều đội quản lý thị trường vẫn phải thuê hoặc mượn trụ sở làm việc, không có đủ phương tiện làm việc…

Do đó, ông Trần Hữu Linh kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung lực lượng quản lý thị trường được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên trên cơ sở đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các Vụ, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động quản lý và xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu; gas; nguyên liệu thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá; rượu; thương mại điện tử trên thị trường để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý đảm bảo thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục