Tình người trong tâm dịch
Đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ khi đợt sóng COVID-19 lần thứ 3 bùng phát tại tỉnh Hải Dương. Toàn hệ thống chính trị ở Hải Dương đang dồn sức triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để chống dịch.
Suốt chuỗi ngày phải đối mặt với “cơn sóng thần” mang tên COVID-19 vừa qua, những hành động đẹp, những việc làm nhân ái ngày càng lan tỏa, giúp những người dân Hải Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được ấm lòng hơn và lạc quan trong những ngày khó khăn trước mắt.
Gác việc nhà để giúp gia đình có người đi cách ly
Cơn bão dịch COVID-19 những ngày qua không chỉ gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế, mà còn khiến cuộc sống của người dân Hải Dương đảo lộn, nhiều hoàn cảnh đã nghèo lại càng khó khăn, túng thiếu.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 611 ca mắc COVID-19 tại tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh có 6 ổ dịch lớn. Từ ngày 16/2, thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16-CT/TTg, khoảng 1.000 chốt kiểm soát đã được thiết lập trong toàn tỉnh. Huyện Cẩm Giàng và thành phố Chí Linh đang thực hiện “phong tỏa trong phong tỏa” để phòng chống dịch.
Có những gia đình cả nhà đều là F1, phải đi cách ly tập trung từ trước Tết, đến thời điểm thu hoạch mùa màng vẫn chưa được về. Đối với người dân nông thôn, ngày mùa là dịp được mong đợi nhất trong năm, thế nhưng vì bị cách ly nên không có ai ở nhà thu hoạch. Chính lúc này, họ đã được các hội, đoàn thể, mặt trận tổ quốc chung tay giúp đỡ.
Hơn 2 tuần nay, chị Lương Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương chưa một lần được về ăn cơm với gia đình.
Vừa góp sức tham gia các bếp ăn phục vụ lực lượng chốt kiểm soát chống dịch, chị Loan còn tổ chức cho chị em trong chi hội thay phiên nhau trông nhà, làm các công việc đồng áng, chăn nuôi... giúp cho các gia đình hội viên của mình đang phải đi cách ly tập trung.
“Cũng may mắn là bố mẹ hai bên và chồng con thông cảm, hiểu và ủng hộ nên tôi mới thoải mái và yên tâm để làm nhiệm vụ”, chị Loan chia sẻ.
Mấy ngày nay, trên cánh đồng hành của khu dân cư An Lăng, phường An Phụ, chị Loan và 9 hội viên Chi hội Phụ nữ phường tất bật thu hoạch hành giúp hai gia đình phải cách ly tập trung, vì không may trở thành F1 của một ca mắc COVID-19.
Chị Loan chia sẻ: Thực hiện chương trình do Hội Phụ nữ của Thị xã phát động, chúng tôi đã phân chia nhau để thu hoạch giúp nhà chị Thanh. Đến nay, chị em đã thu hoạch hành giúp cho 2 gia đình phải đi cách ly tập trung, tổng diện tích khoảng hơn 10 sào (3.600m2). Một số chị em trong chi hội cho biết, họ đã gác việc thu hoạch của gia đình mình sang một bên, ưu tiên thu hoạch giúp cho các gia đình đi cách ly.
Đây chỉ là một trong rất nhiều việc làm của người dân Hải Dương những ngày qua, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đỡ đần và đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn vì dịch bệnh.
Cơn bão COVID-19 càn quét cũng làm cuộc sống của nhiều nông dân, người kinh doanh, buôn bán phải lao đao. Các tỉnh, thành khác do lo ngại dịch bệnh đã hạn chế, thậm chí từ chối những chuyến hàng từ Hải Dương vận chuyển sang.
Thế nhưng, những nông dân và thương lái ấy đã tạm quên đi những thiệt hại của mình, vẫn sẵn sàng san sẻ với những người khó khăn hơn. Vụ đông năm nay, anh Lương Văn Ba, trú tại xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc nhận bao tiêu 5ha rau màu các loại. Không may dịch COVID-19 xảy ra, tiêu thụ gặp khó.
Ra Tết, thấy người dân trong khu cách ly, các thôn xóm bị phong tỏa nhiều nơi thiếu thốn về thực phẩm, anh đã ủng hộ toàn bộ số rau củ bao tiêu tặng cho bà con. Còn đối với ông Nguyễn Văn Du, xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, ông cùng nhiều hội viên hội nông dân của xã cũng đang lo lắng vì 120ha chuối không có thương lái thu mua.
Tuy nhiên, khi thấy nhân dân xã Hưng Đạo cần giải cứu su hào, bắp cải, ông Du và hàng chục hội viên đã không nề hà đến tận nơi thu hoạch giúp và cũng hỗ trợ một phần kinh phí để chia sẻ với thiệt hại cho nông dân nơi đây.
Sự giúp đỡ, sẻ chia không “biên giới”
Cảm thông với nỗi lo của nông dân Hải Dương khi nông sản đến ngày thu hoạch không có ai mua, bị tồn đọng, những người Hải Dương xa quê đã chủ động kết nối với các đầu mối ở vùng nguyên liệu trong tỉnh để thu mua và bán giúp cho bà con nông dân đang thiệt hại do dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan và cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng gửi tặng rất nhiều nhu yếu phẩm và khẩu trang, trang bị y tế, nước sát khuẩn... để hỗ trợ cho lực lượng đang căng mình chống dịch ở tuyến đầu. Những trang phục bảo hộ giúp các y bác sĩ và nhân viên y tế được bảo vệ tốt hơn.
Tính đến nay, không thể đếm xuể những chuyến hàng cứu trợ gửi về tâm dịch Hải Dương. Chỉ tính riêng qua kênh ủng hộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, đã có khoảng 40 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm gửi về giúp nhân dân Hải Dương phòng chống dịch.
Việc cách ly xã hội khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân Hải Dương chịu nhiều bất tiện, nhưng chính lúc này, tinh thần thương yêu, chia ngọt sẻ bùi giữa những người cùng cảnh ngộ càng lan tỏa trong cộng đồng. Trong nội bộ các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, người dân đang sẻ chia cho nhau từng bó rau, quả trứng, cân gạo…
Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu khi thành phố Chí Linh phong tỏa, cách ly y tế ở thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, những bó rau sạch vườn nhà đã được nhiều gia đình ở Chí Linh cắt mang ủng hộ các bếp ăn trong các khu cách ly tập trung.
Các nhóm thiện nguyện thông qua mạng xã hội liên tục phát động quyên góp, vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm, chăn... cho người dân, quyên góp và chuyển bánh kẹo, sữa, truyện tranh… cho các em học sinh đang cách ly tập trung.
Mới đây, từ ngày 16/2, huyện Cẩm Giàng thực hiện "phong tỏa trong phong tỏa" để phòng chống dịch, cuộc sống của nhiều công nhân thuê trọ đã khó khăn nay càng thêm túng thiếu.
Là một người dân thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng, anh Phạm Khắc Duy cũng đang sống trong vùng cách ly, phong tỏa nhiều ngày nay. Hiểu rõ hoàn cảnh của công nhân, chàng trai này đã cùng một nhóm bạn kết nối nguồn lực để hỗ trợ, chia sẻ nhu yếu phẩm giúp anh chị em công nhân.
Từ kinh phí kêu gọi được, nhóm anh Duy đã gọi điện mua từ các đại lý hàng thực phẩm hoặc kết nối với các tổ chức ủng hộ nông sản chở hàng hóa, nhu yếu phẩm như gạo, mì, nước mắm, rau củ quả, trứng... chuyển tới điểm tập kết tại thị trấn.
Sau đó, các nhóm trưởng các khu trọ tới lấy hàng theo danh sách đăng ký từ trước, chuyển về từng dãy trọ, chia đến phòng cho từng công nhân. Trong những ngày qua, nhóm đã phát được gần 500 suất quà, dự kiến trong ngày 22/2 sẽ phát thêm khoảng 400 suất.
Việc vận chuyển và phân phát đồ đều thông qua sự cho phép của trưởng thôn, khu dân cư và chấp hành đúng quy định phòng dịch, không tụ tập đông người.
“Nguồn lực thì có hạn, mà số lượng công nhân đăng ký càng ngày càng nhiều, nên có lúc chúng tôi không đủ đồ để phát theo đăng ký. Có người không thông cảm lại còn trách móc, cũng buồn lắm. Nhưng rồi nghĩ lại, ngay từ đầu, mình làm việc này hoàn toàn từ tâm và không vụ lợi, nên tự nhủ sẽ cố gắng hơn để giúp được nhiều bạn hơn nữa”, anh Duy chia sẻ.
Những chuyến thực phẩm cứu trợ vẫn liên tục được gửi đến những công nhân xóm trọ. Vòng tay nhân ái trong cộng đồng người dân sống tại Hải Dương tiếp tục được nối dài. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", họ đã và đang tiếp sức cho nhau cả vật chất lẫn tinh thần, động viên nhau kiên cường, đồng lòng vượt khó để chống chọi với dịch COVID-19 và cùng tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn./.
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Dịch COVID-19 tối 21/2: Thêm 15 ca mắc mới tại Hải Dương
18:21' - 21/02/2021
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, riêng ngày 21/2 ghi nhận thêm 15 ca mắc mới là các ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương.
-
Kinh tế & Xã hội
Hải Dương xuất hiện ổ dịch COVID-19 mới, cách ly hơn 8.000 nhân khẩu
16:24' - 21/02/2021
Theo ông Phạm Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ xã Kim Liên gồm 4 thôn, khu dân cư với hơn 8.000 nhân khẩu.
-
Kinh tế & Xã hội
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hàng trăm lái xe vận tải ở Hải Dương
13:18' - 21/02/2021
Chỉ tính từ chiều 20 đến sáng 21/2, CDC Hải Dương đã xét nghiệm cho khoảng 500 lái xe. Các lái xe khi đến lấy mẫu mang theo bằng lái xe và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Tin cùng chuyên mục
-
Đời sống
Tại sao “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?
09:45'
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch (“Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm).
-
Đời sống
Bằng kỹ sư tại nước ngoài có tương đương bằng thạc sĩ?
07:00'
Theo Hệ thống giáo dục đại học Cộng hòa Belarus, chương trình đào tạo chuyên gia (kỹ sư) kéo dài 5 năm và người có bằng chuyên gia (kỹ sư) phải hoàn thành thêm ít nhất 1 năm mới được cấp bằng thạc sĩ.
-
Đời sống
Rằm tháng Giêng: Dâng mâm cỗ chay để cầu bình an
06:49'
Cùng với phóng sinh tạo phúc, trong dịp rằm tháng Giêng, dâng một mâm cơm chay thanh tịnh cũng là cách được nhiều gia đình lựa chọn để tỏ lòng thành kính, cầu một năm bình an và hạnh phúc.
-
Đời sống
Hải Dương: Thêm 13 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh
21:26' - 24/02/2021
Chiều 24/2, Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã công bố khỏi bệnh và trao giấy ra viện cho 13 bệnh nhân.
-
Đời sống
Quảng Ninh dành 500 tỷ đồng mua vaccine COVID-19 tiêm phòng cho toàn dân
18:03' - 24/02/2021
Tỉnh Quảng Ninh quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng để mua vaccine phòng COVID-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất có thể.
-
Đời sống
Hưng Yên không tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2021
09:54' - 24/02/2021
Ngày 24/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hưng Yên (Hưng Yên) Bùi Tuấn Anh cho biết, TP vừa thông báo dừng tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2021, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
-
Đời sống
Tay golf huyền thoại Tiger Woods gặp tai nạn xe hơi
09:03' - 24/02/2021
Ngày 23/2, đại diện "ông hoàng làng golf" Tiger Woods thông báo golf thủ này đã phải phẫu thuật với nhiều chấn thương ở chân sau vụ tai nạn xe hơi xảy ra ở Hạt Los Angeles, Mỹ.
-
Đời sống
Khám phá vẻ đẹp mùa rêu Nam Ô
08:26' - 24/02/2021
Đến bãi đá rạn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, vào mùa Xuân, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
-
Đời sống
Lào Cai: Nước sông Hồng trong xanh lạ thường
21:39' - 23/02/2021
Theo ghi nhận, trong những ngày đầu của năm Tân Sửu 2021, tại nhiều đoạn sông Hồng chảy từ huyện Bát Xát tới dọc thành phố Lào Cai có nước màu xanh và có thể nhìn thấy đáy ở khu vực gần bờ.