TKV có nhiều giải pháp huy động vốn sản xuất năm 2020

17:14' - 21/01/2020
BNEWS Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết sẽ thực hiệnnhiều giải pháp đảm bảo vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2020 đã đề ra.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, sản lượng than nhập khẩu kinh doanh của TKV dự kiến khoảng 10,5 triệu tấn. Ảnh: TTXVN

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, năm 2020 và những năm tiếp theo, việc huy động vốn cho sản xuất dự báo có khả năng gặp nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2020 đã đề ra.
Theo đó, về việc huy động vốn cho hoạt động nhập khẩu than, theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, sản lượng than nhập khẩu kinh doanh của TKV dự kiến khoảng 10,5 triệu tấn, tương đương giá trị nhập khẩu khoảng 800 triệu USD. Đây là điều khó khăn khi việc cho vay ngoại tệ ngày càng hạn chế.
Để cân đối được nguồn vốn này, Tập đoàn đã làm việc với Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking của Nhật Bản để thống nhất xong khoản vay ngoại tệ trị giá 100 triệu USD với thời hạn 13 tháng trên cơ sở nguồn than xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Bên cạnh khoản vay đó, năm 2020, TKV và các đơn vị nhập khẩu sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công cụ tài chính như L/C Upas (thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay) cho thanh toán than nhập khẩu, đồng thời, nghiên cứu áp dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá khi nguồn than nhập khẩu bằng tiền đồng.
TKV cũng sẽ làm việc với các ngân hàng lớn như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)… để xây dựng các gói tài trợ chung cho hoạt động nhập khẩu than của TKV nhằm khai thác được các sản phẩm ưu đãi, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh than nhập khẩu.
Cùng với nguồn vốn trực tiếp cho hoạt động nhập khẩu than, TKV hiện đang huy động vốn ngắn hạn cho sản xuất kinh doanh với nhu cầu vốn lưu động khoảng 18.600 tỷ đồng. Vì vậy, TKV sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để ký kết các hạn mức ngắn hạn bảo đảm nhu cầu giải ngân vốn, trên cơ sở giá trị hạn mức ngắn hạn đã xác lập năm 2019. Theo đó, hạn mức ngắn hạn chủ yếu tập trung tại các ngân hàng quốc doanh lớn có chi phí cạnh tranh; tận dụng các gói lãi suất ưu tiên của nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giảm chi phí vốn vay.
Về vốn dài hạn, theo kế hoạch năm 2020 của TKV, vốn chủ sở hữu tài trợ cho các dự án trên 4.000 tỷ đồng, chiếm 26,42% tổng giá trị đầu tư. Để có đủ nguồn vốn chủ sở hữu đối ứng cho các dự án, TKV áp dụng các biện pháp giảm chi phí trong tất cả các công đoạn sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để khấu hao nhanh, thu hồi vốn nhằm tạo nguồn đầu tư cho các dự án mới.
Đối với nguồn vốn tín dụng, theo kế hoạch đầu tư năm 2020 đã được phê duyệt, giá trị đầu tư là 15.686 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vốn tín dụng dài hạn là trên 10.000 tỷ đồng. Một số dự án lớn như dự án Khe Chàm II-IV (Công ty Than Hạ Long), dự án hầm lò mỏ than Mạo Khê (Công ty Than Mạo Khê), dự án nhà máy Nhiệt điện Nam Dương (Tổng công ty Điện lực)… là những dự án trọng điểm để đảm bảo Tập đoàn có thể thực hiện các kế hoạch sản xuất dài hạn theo đúng quy hoạch phát triển ngành được Chính phủ phê duyệt.
Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý của các dự án để hoàn thiện điều kiện tiếp tục giải ngân các gói tín dụng cho dự án Khe Chàm II-IV (8.000 tỷ đồng từ Vietcombank), dự án 150 than Mạo Khê (gói 1.400 tỷ đồng từ Vietcombank). Đối với các dự án đầu tư nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (trên 50.000 tỷ đồng), Na Dương III (trên 4.000 tỷ đồng), phương án thu xếp vốn sẽ ưu tiên xây dựng kèm theo yêu cầu lựa chọn nhà thầu để tận dụng được lợi thế từ các nhà thầu quốc tế, đối tác hợp tác đầu tư phát triển dự án. 
Về các nguồn vốn huy động xã hội, TKV cho rằng, một trong những mục tiêu của cổ phần hóa niêm yết cổ phiếu từ các công ty trên thị trường chứng khoán đối với các đơn vị là nhằm  huy động nguồn vốn từ xã hội để thực hiện các mục tiêu kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay các công ty cổ phần đã niêm yết của TKV hầu như chưa phát huy được lợi thế của việc này khi giá trị cổ phiếu hiện đang bị định giá tương đối thấp, không thu hút nhà đầu tư.
Do đó, năm 2020 và các năm tiếp theo, các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị doanh nghiệp, tiềm lực tài chính từ đó làm cơ sở huy động vốn từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn, trái phiếu chuyển đổi. Từ đó, huy động nguồn vốn không chịu lãi thực hiện đầu tư các dự án.
Năm 2019, TKV đã tận dụng được lợi thế về tình hình tài chính và mối quan hệ chiến lược với nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước nên việc huy động vốn cho sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư của TKV. Theo đó, năm 2019 nhu cầu vốn lưu động để đáp ứng hoạt động sản xuất của TKV là 15.626 tỷ đồng; trong đó, Công ty Mẹ là 8.919 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, TKV đã xây dựng hạn mức tín dụng ngắn hạn với khoảng 15 ngân hàng trong nước để thiết lập hạn mức dự phòng cho nhu cầu giải ngân.
Cùng với đó, TKV là một trong số ít tổ chức huy động được vốn trên thị trường với chi phí thấp, lãi suất vay vốn bình quân thấp hơn từ 1-1,5% so với các đơn vị khác. Đó là do TKV tận dụng được các lợi thế từ điều hành dòng tiền phù hợp với chất lượng tín dụng ở mức cao cũng như cam kết trong việc tuân thủ các quy định với các nhà tài trợ vốn. Vì vậy, mặc dù quy mô kinh doanh của TKV tăng đáng kể so với năm 2017 và 2018 nhưng chi phí vay ngắn hạn năm 2019 có chiều hướng giảm ước tính 690 tỷ đồng, trong khi năm 2018 là 775 tỷ đồng và năm 2017 là 840 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục