Toàn cảnh “cuộc chiến giành lại vỉa hè” ở Quận 1 của ông Đoàn Ngọc Hải

12:14' - 28/02/2017
BNEWS "Quyết tâm biến Quận 1 thành Singapore thu nhỏ, không đánh trống bỏ dùi, không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo từ quan". Đó là tuyên bố của Phó Chủ tịch Quận 1 Đoàn Ngọc Hải sáng 20/2.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải (áo trắng) trực tiếp tham gia chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Từ phát ngôn gây sốc của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận 1

Suốt nửa tháng qua, hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM, trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo nhiều lực lượng như CSGT, Trật tự đô thị, Thanh tra xây dựng,... giành lại vỉa hè, lập lại trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trên toàn địa bàn quận trung tâm Sài Gòn đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân.

"Quyết tâm biến quận 1 thành Singapore thu nhỏ; không đánh trống bỏ dùi; không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo từ quan", phát ngôn gây sốc của vị Phó Chủ tịch quận 1 đã thể hiện sự quyết liệt của ông trong cuộc chiến giành lại vỉa hè này.

Trả lời trên báo điện tử Infonet về việc trước đây quận đã nhiều lần ra quân xử phạt nhưng rồi sự việc “đâu lại vào đấy”, ông Hải khẳng định: “Trước đây tôi không biết nhưng giờ sẽ xử lý để lập lại trật tự kỷ cương”, cho dù là người dân hay cơ quan công quyền vi phạm.

Đến hành động gây bất ngờ của vị Phó Chủ tịch

Kể từ khi ra quân giành lại vỉa hè, đã có hàng trăm ô tô đậu trên vỉa hè, vi phạm trật tự giao thông đô thị trên địa bàn Quận 1 bị lập biên bản, xử lý. Thậm chí, ngay cả những chiếc xe biển xanh của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương vi phạm đậu trên vỉa hè đều bị xử lý nghiêm mà không có ngoại lệ.

Điển hình phải kể tới, sáng 22/2, 5 chiếc xe đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ, trong đó có 4 xe biển xanh, bao gồm cả xe ô tô chở Phó chủ tịch UBND Quận 9 đã bị lập biên bản xử lý.

Chỉ đạo xử lý xe ôtô biển xanh 80B đậu trái phép ở lề đường Nguyễn Thị Minh Khai trong giờ tan tầm gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN

Hay chiếc xe biển xanh đậu trước Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam - VTV) trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày 23/2 cũng đã bị lập biên bản xử phạt hành chính 700.000 đồng, đồng thời bị cẩu xe về phường để xử lý do tài xế không có mặt tại hiện trường.

"Nghe thông tin về việc một chiếc xe biển số xanh chở lãnh đạo UBND Quận 9, TP HCM đi dự họp ở UBND TP HCM và tài xế vi phạm khi đậu không đúng nơi quy định bị đoàn kiểm tra xử lý, dù có đề nghị được bỏ qua vi phạm của người đồng cấp nhưng ông Phó Chủ tịch Quận 1 vẫn kiên quyết chỉ đạo lập biên bản, khẳng định mọi người đều phải thượng tôn pháp luật, chúng tôi hết sức ấn tượng và tin tưởng rằng, "cuộc chiến"giành lại vỉa hè này sẽ thành công", anh Nghĩa - một người dân ngụ trên đường Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành, quận 1 - chia sẻ với phóng viên báo Kiến Thức.

Phương tiện ô tô sau khi bị niêm phong được đưa về đội xử lý. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Trong cuộc chiến quyết liệt này, lãnh đạo UBND Quận 1 ra lệnh xử lý nghiêm trước tiên là các tổ chức, cơ quan nhà nước để làm gương. Nhiều cơ quan, trụ sở có hành vi, công trình lấn chiếm vỉa hè, cản trở người đi bộ đều bị đập bỏ, trả lại sự thông thoáng.

Cũng trong sáng 23/2, đoàn liên ngành đi xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè do Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải chỉ huy đã tới kiểm tra tại trụ sở các cơ quan đại diện tại TP.HCM của Bộ Công thương trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tại đây, đoàn đã lập biên bản xử phạt 1 ô tô và phá bỏ một bức tường ngăn chắn vỉa hè của người đi bộ.

Được biết, bức tường này đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên sau khi xây xong trụ sở mới, bức tường không bị phá đi mà vẫn giữ nguyên. Giải đáp về điều này, trong văn bản gửi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được trích dẫn trên Báo Tin tức - TTXVN, đại diện Cục Công tác phía Nam của Bộ Công Thương cho biết: Bức tường cao 3 mét bị đoàn công tác quận 1 tháo dỡ không thuộc văn phòng làm việc phía Nam của Bộ Công Thương mà đó là bức tường cũ, sát vách liền tường bảo vệ của Sân vận động Hoa Lư.

Ông Phan Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam khẳng định tất cả tường, hàng rào của văn phòng làm việc phía Nam Bộ Công Thương đều được xây dựng mới, tuân thủ quy hoạch, thiết kế xây dựng do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cấp phép.

Đến chiều 24/2, trụ sở khu phố 6, phường Bến Thành cũng đã bị đập bỏ hoàn toàn để trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè quận trung tâm. Trụ sở này có bề rộng khoảng 2m, dài hơn 5m, được xây dựng tạm bằng khung sắt, vách thạch cao, xây dựng hoàn toàn trên vỉa hè chung.

Các vọng gác và hàng rào dây xích kiên cố trên vỉa hè dành cho người đi bộ trước trụ sở của Ngân hàng Nhà nước trên đường Võ Văn Kiệt cũng đã bị đoàn liên ngành "sờ gáy" ngày 27/2. Tuy nhiên, ngay sau khi bị phá dỡ, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trình một số giấy tờ liên quan nên Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã có quyết định lắp lại hai vọng gác, còn hàng rào thép tại đây thì không được phục hồi.

Theo ông Hải, xét tính chất quan trọng của địa điểm này, ông tạm thời cho lắp lại các vọng gác đã tháo dỡ dể lực lượng công an canh gác, nhưng trong 1 tháng Ngân hàng Nhà nước phải bổ sung các giấy tờ, thủ tục còn thiếu.

CSGT lập biên bản chủ phương tiện đậu xe ô tô đậu trên vỉa hè đường Hàm Nghi. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Bên cạnh đó, tất cả các cây ATM, xe bán hàng rong, biển hiệu quảng cáo, tủ bày hàng,... "xâm phạm" vỉa hè chung cũng đều bị xử lý quyết liệt.

Một biện pháp nữa nhằm hạn chế phương tiện đi trên vỉa hè được quận 1 áp dụng trong thời gian qua, đó là lắp các thanh barie bằng inox đường kính 8cm so le nhau, khoảng cách giữa hai thanh khoảng 80cm đủ để người khuyết tật lăn xe qua. Trên thanh barie còn gắn phản quang để người đi bộ dễ nhận biết khi lưu thông vào ban đêm. 

Nhiều chủ xe máy vô tư vượt lên vỉa hè vừa lắp các thanh barie tuyến đường Lý Tự Trọng. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân cũng như du khách tại TP.HCM, ngày 27/2, nhiều tuyến đường được lắp thí điểm các barie đã thay đổi thiết kế thanh chắn này.

Theo Vietnamplus, thay vì lắp 3 thanh inox so le như trước, giờ đây chỉ còn 1 thanh. Do thay đổi cách lắp nên giờ đây lối dành cho người đi bộ được mở rộng hơn 1m, và nằm phía vách tường.

Theo ông Đoàn Ngọc Hải, "cuộc chiến giành lại vỉa hè" sẽ không bao giờ kết thúc, quận 1 sẽ làm liên tục cho đến khi nào trật tự đô thị trên toàn địa bàn đi vào quy củ.

Lãnh đạo TP.HCM nói gì về cuộc chiến giành lại vỉa hè của Quận 1?

Trong cuộc họp về KTXH diễn ra tại UBND TP.HCM sáng 27/2, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá cao việc làm của UBND Quận 1 những ngày qua.

Lực lượng chức năng xử lý các ô tô đậu lấn chiếm lề đường Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Chia sẻ trước nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng về việc hành động của Quận 1 những ngày qua có đúng pháp lý hay không, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan trả lời trên Infonet cho biết: “Tôi không đi vào thực tế nhưng xin nói tất cả những việc đó trong quá trình làm đều có vận động, thuyết phục nhưng chưa xong”.

“Trước hết là ở các cơ quan nhà nước, ví dụ làm ở Trung tâm chính trị đúng, chốt dân phòng là đúng. Mình đừng có lấy cơ quan nhà nước ra để lấn chiếm lòng lề đường, mà mình đã lấn chiếm thì khi người dân lấn chiếm không nói được. Chúng tôi ủng hộ quận” – ông Hoan chia sẻ.

Về chốt dân phòng bị đập bỏ trên đường Nguyễn Thái Bình, ông Hoan bày tỏ rằng “để một cái bốt như thế là không được”. Theo ông có nhiều cách để xử lý như dùng các bốt di động để “cần thì đem ra, không thì mang vào”.

Nhiều người vẫn đi xe máy trên vỉa hè lắp thí điểm barie một thanh. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Là một trong số ít những đại biểu đã khá nhiều lần lên tiếng trước diễn đàn Quốc hội về trật tự, mỹ quan đô thị, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội chia sẻ với Infonet: “Tôi ủng hộ cách làm của ông Phó chủ tịch Quận 1. Nếu có vấn đề dẹp được trong thẩm quyền xử lý của mình thì phải làm ngay lập tức. Chứ cản trở giao thông mà lại lôi nhau ra đôi co hay thực hiện một vụ kiện thì đất nước này có hàng vạn vụ kiện”.

"​Anh sai rồi nên giờ không thể bắt người ta (chính quyền- PV) phải đi cầu cạnh, mời anh đến chứng kiến việc xử lý. Giao thông phải thông suốt, ông nào sai là phải dẹp chứ làm sao có chuyện chính quyền phải xin phép, hay đứng đó để “cãi nhau” xem tôi xử lý như thế đúng hay không… xã hội như thế thì làm sao mà được", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục