Tokyo giải quyết hiệu quả bài toán đỗ xe trong đô thị

11:21' - 09/02/2018
BNEWS Đô thị phát triển, quản lý giao thông, trong đó có vấn đề quản lý lưu lượng ôtô và bãi đỗ ôtô, là một trong những bài toán khó.
Tokyo giải quyết hiệu quả bài toán đỗ xe trong đô thị. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đang lúng túng khi tìm kiếm giải pháp. Tokyo, với dân số hơn 30 triệu người, đã xử lý bài toán đỗ ôtô như thế nào khi đối mặt với thực trạng số lượng ôtô ngày một tăng lên nhưng diện tích để làm bãi đỗ ngày càng thu hẹp.

Các quy định đồng bộ và kết nối chặt chẽ

Một trong những thủ tục quan trọng khi xin cấp đăng ký ôtô là chủ sở hữu phương tiện phải có giấy chứng nhận của sở cảnh sát xác nhận rằng chủ phương tiện đã có chỗ đỗ cố định cho ôtô đang xin đăng ký. Nơi đỗ này bắt buộc không phải là các điểm đỗ ô tô trên đường.

Ông Muranaka Zyunzi, Ban Pháp chế giao thông, Cục Giao thông, Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), cho biết quy định này được đưa vào áp dụng đã 56 năm. Cơ sở quan trọng để hình thành của luật trên là số thời gian ôtô không hoạt động cao hơn rất nhiều so với thời gian ôtô tham gia giao thông.

Nếu như chủ sở hữu ôtô sinh sống ở các khu vực mật độ dân cư thấp, việc sở hữu một nơi đỗ ôtô không phải là điều khó khăn vì họ dễ dàng biến một phần diện tích đất ở thành gara ôtô cá nhân.

Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, đặc biệt các đô thị có mật độ dân cư cao như Tokyo, đây là một vấn đề không hề dễ dàng. Như vậy, để ôtô của mình có thể tham gia giao thông, trước hết chủ phương tiện phải tự giải quyết bài toán đỗ xe của mình.

Quy định về việc sở hữu nơi cố định để đỗ ôtô được xem là chế tài cơ sở, là cột trụ quan trọng cho việc giải quyết bài toán đỗ xe.

Tuy nhiên, NPA cũng nhấn mạnh để quy định trên phát huy hiệu quả, cần phải có sự phối hợp với nhiều quy định khác, trong đó đặc biệt quan trọng là điều luật cấm đỗ ôtô trên đường từ sau 3 giờ sáng. NPA cho biết việc kiểm tra các ôtô đỗ trên đường đặc biệt được tiến hành nghiêm ngặt trong 8 tiếng ban đêm tính đến lúc Mặt Trời lên, nhằm ngăn ngừa tình trạng các lái xe để xe trên đường qua đêm.

Quy định cấm đỗ ôtô trên đường qua đêm kết hợp với giấy xác nhận của cảnh sát về sở hữu nơi đỗ cố định cho mỗi ôtô là hệ thống giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng gian lận giấy tờ và đỗ ôtô bừa bãi. Nếu chủ phương tiện khi nộp đơn xin đăng ký ôtô tìm cách gian lận để được cảnh sát xác nhận có nơi đỗ cố định cho ôtô, hành vi gian dối này rất dễ bị phát hiện khi vào ban đêm, chủ xe buộc phải đỗ trên đường qua đêm vì không có nơi đỗ ôtô trên thực tế.

Tuy nhiên, loại bỏ hoàn toàn việc đỗ ôtô trên đường sẽ đẩy các lái xe vào tình trạng bế tắc khi cần một điểm đỗ tạm thời trong lúc tham gia giao thông. Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã quy hoạch các điểm ôtô được phép đỗ trong thời gian ngắn trên một số tuyến đường với việc đưa hệ thống parking meter vào sử dụng.

Chức năng của các cột parking meter là đếm thời gian đỗ ôtô và thu tiền phí đỗ của từng xe. Điều cần lưu ý là thời gian đỗ tại các điểm đỗ này bị giới hạn, tùy từng khu vực mà bị giới hạn từ 40 đến 60 phút cho một lần đỗ, và các điểm đỗ này thường chỉ được phép sử dụng từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối.

Theo số liệu do NPA cung cấp, năm 2011, không tính các điểm đỗ ôtô trên đường, thủ đô Tokyo có 2.300 điểm đỗ, có sức chứa 810.000 xe. Năm 2016, tức là sau năm năm, có 2.500 điểm đỗ ôtô, tức là tăng 200 điểm, có sức chứa 910.000 xe, tăng 100.000 xe.

Để hạn chế nguy cơ thiếu các điểm đỗ cố định dành cho ôtô, tất cả các tòa nhà có công năng nhất định như trung tâm thương mại, nhà hát, cung thể thao… trong bản thiết kế bắt buộc phải có diện tích dành cho bãi đỗ xe mới được cấp phép xây dựng.

Công nghệ đỗ ôtô hiện đại

Tokyo là một trong những đô thị đi đầu thế giới về ứng dụng các hệ thống đỗ ôtô công nghệ hiện đại với mục tiêu tiết kiếm diện tích đất và nhân lực.

Hiện tại, xét về công nghệ tự động, phổ biến ở Tokyo gồm có hệ thống đỗ ôtô theo mô hình thang máy (eleavator parking), hệ thống đỗ ôtô nhiều tầng (multi-story parking), hệ thống tháp đỗ ôtô (tower parking), hệ thống đỗ ôtô tự phục vụ (shuttle parking)…

Đây là các hệ thống đỗ ô tô hiện đại với mục tiêu tiết kiệm diện tích đất trong bối cảnh thủ đô Tokyo có mật độ dân số xếp vào nhóm cao nhất thế giới. Ba hệ thống đầu gồm eleavator parking, multi-story parking và tower parking đều có một nguyên tắc chung là sử dụng hệ thống thang máy nâng tự động để đưa ôtô vào vị trí đỗ cũng như đưa ôtô từ nơi đỗ ra trả cho khách.

Hệ thống shuttle parking là một bãi đỗ ôtô nhiều tầng, thường được lắp đặt ở các công trình xây dựng quy mô lớn như sân bay hoặc các công ty kinh doanh đỗ ôtô, điểm đặc biệt của hệ thống đỗ này là vừa tiết kiệm nhân lực vừa tiết kiệm diện tích đất. Lái xe phải tự đưa phương tiện vào và ra bãi đỗ, tự tiến hành các thủ tục gửi xe và thanh toán.

Ngoài ra, còn có bãi đỗ trả tiền theo thời gian đỗ, gọi là coin park. Đây là bãi đỗ do lái xe tự tiến hành các thủ tục vào, ra và thanh toán. Shuttle parking và coin park là những bãi đỗ không có nhân viên quản lý, giúp tiết kiệm nguồn nhân lực.

Hiện nay, phí đỗ ôtô tại Tokyo xếp vào nhóm đắt nhất thế giới. Tùy vào vị trí gần hay xa các khu trung tâm mà mức phí có sự dao động khác nhau từ mức 100 yên/10 phút (khoảng 20.000 VND) đến 500 yên/ 30 phút (khoảng 100.000 VND). Mức giá đỗ ôtô theo tháng cũng tùy từng khu vực với trung bình khoảng 35.000 yên/ôtô/tháng (xấp xỉ 7 triệu VND).

Mỗi một ôtô lưu thông trên đường còn phải gánh một loạt các loại thuế với các mức đóng khác nhau tùy theo quy định của từng chính quyền địa phương như phí môi trường, thuế trọng lượng, các loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm bồi thường thiệt hại….

Ngoài ra, phí cầu đường của Nhật Bản cũng vào hàng cao của thế giới với mức phí mỗi lần ra vào một làn đường cao tốc vào khoảng 1.300 yên (khoảng 260.000) cho mỗi một ôtô thông thường (từ 4 đến 7 chỗ). Đây được coi là các biện pháp nhằm hạn chế người dân mua ôtô cá nhân, thay vào đó khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Bộ Giao thông quốc thổ, chính quyền các tỉnh, thành phố, chính quyền các quận, huyện và cảnh sát địa phương là bốn cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm thực thi các chính sách đỗ ôtô tại Nhật Bản.

Mỗi một đơn vị chủ quản có cách thức và phương tiện khác nhau để thực thi các quy định đỗ ôtô tại từng địa phương để đi đến một kết quả thống nhất không để xảy ra tình trạng ôtô đỗ bừa bãi, bất hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và cảnh quan môi trường.

Dạo quanh các phố lớn ở thủ đô Tokyo, một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không nhìn thấy tình trạng ôtô đỗ tràn ngập đường phố. Đây chính là kết quả của một quá trình thực thi hiệu quả các quy định phù hợp trong Điều luật đỗ ôtô (Parking Act) trong phạm vi Luật Giao thông đường bộ (Road Traffic Act) cùng với việc ứng dụng các công nghệ đỗ ôtô tiên tiến, hiện đại./.

>>>Tuyết rơi dày nhất tại Tokyo trong 4 năm qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục