Tôm Cà Mau tận dụng thời cơ từ Hiệp định EVFTA

19:20' - 27/11/2020
BNEWS Với lợi thế và tiềm năng to lớn, Cà Mau từ lâu đã được xem là "thủ phủ" của ngành tôm cả nước.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 5 năm qua, Cà Mau tiếp tục là tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm với tổng sản lượng thuỷ sản đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng 3,7%/năm.

Thời kỳ hậu COVID-19, vị trí top đầu của ngành tôm Cà Mau đang được củng cố ngày càng vững chắc hơn khi chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng; đồng thời, tranh thủ sẵn sàng mọi nguồn lực để tận dụng thời cơ từ Hiệp định EVFTA.

*Lợi thế của ngành tôm Cà Mau

Cà Mau chiếm trên khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước (tương đương với trên 280.000ha), với khoảng 70% dân số sống bằng nghề nuôi và khai thác thủy sản. Hiện nay, sản phẩm tôm của Việt Nam đã có mặt trên thị trường hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo các chuyên gia, về năng suất nuôi tôm Việt Nam tuy chưa thể so với một số nước như Ecuador hay Ấn Độ… nhưng về chất lượng tôm thì đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Trong đó, điểm nhấn nổi bật của thương hiệu tôm Việt Nam chính là tôm sinh thái.

So với các tỉnh khác trong cả nước, Cà Mau có lợi thế rất lớn về phát triển mô hình nuôi này, đặc biệt với 3 mặt giáp biển được bảo bọc bởi diện tích rừng ngập mặn, tỉnh Cà Mau đang có gần 34.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện, Cà Mau đã có hơn 20.000 ha được công nhận tôm sinh thái.

Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, Cà Mau đã nhanh chóng tận dụng, quy hoạch và phát triển đúng hướng đã giúp tỉnh tạo ra ưu thế rất lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm hàng đầu cả nước rất cần và đang sở hữu vùng nguyên liệu sạch này để tạo lợi thế phát triển.

Nhiều năm qua, công ty Camimex đã trực tiếp sở hữu vùng nuôi tôm sinh thái gần 800ha; đặc biệt, hiện nay, công ty đã nâng diện tích nuôi tôm sinh thái đạt hơn 7.000 ha bằng hình thức đối tác với các hộ dân.

Ông Nguyễn Trọng Hà, Phó tổng giám đốc Camimex cho biết, với vùng nguyên liệu sạch đã được tạo được ra, uy tín thương hiệu trên thương trường quốc tế cũng vì thế mà tăng lên. Đơn vị còn là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận sinh thái EU Organic, BIO SUISSE cho chuỗi sản phẩm tôm sinh thái.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá, tôm sinh thái hiện là một trong 4 mặt hàng chủ lực của tỉnh được xác định rõ trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Hiệu quả từ thực tiễn là minh chứng rõ nhất về vị thế của tôm sinh thái. Vai trò quan trọng khác nữa là sự liên kết ngày càng gắn bó giữa người dân và doanh nghiệp đã giúp giá trị tôm Cà Mau không ngừng tăng lên.

“Không chỉ đơn giản là người dân được tăng thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch, chất lượng để xuất khẩu mà giá trị về bảo vệ môi trường đã giúp tôm sinh thái Cà Mau dần khẳng định vị thế”, ông Châu Công Bằng phân tích.

Trước hiệu quả to lớn đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thì địa phương đang hướng đến mục tiêu mở rộng việc chứng nhận tôm sinh thái lên toàn bộ diện tích khoảng 20.000 ha kết hợp trồng rừng trong năm nay. Ngoài ra, tôm sinh thái Cà Mau còn vùng nuôi đặc thù rất lớn với hàng chục ngàn héc-ta thực hiện mô hình lúa - tôm.

Ngoài nuôi tôm truyền thống, nuôi tôm sinh thái, Cà Mau đã và đang dần hình thành mô hình tôm siêu thâm canh; năng suất nuôi đạt tỷ lệ thành công 80%, sản lượng đạt 70 tấn/ha/năm. Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Mô hình này tuy mới phát triển vài năm nhưng đã góp phần nâng sản lượng tôm của Cà Mau 5 năm qua đạt 2,7 triệu tấn, bình quân tăng 3,7%/năm.

* Tận dụng thời cơ từ hiệp định EVFTA

Bước vào năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã gặp phải không ít khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn đó, thị trường xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau vẫn củng cố niềm tin về một bước lấy đà cần thiết để tranh thủ thế và lực, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu thủy sản khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam phân tích, Hiệp định EVFTA vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để sản phẩm thuỷ sản Cà Mau tiến sâu vào thị trường EU. “EU là thị trường tiêu thụ rất quan trọng với dân số khoảng 500 triệu người. Đó là cơ hội rất lớn cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và nguồn cung ứng nguyên liệu thuỷ sản”, ông Dương Vũ Nam thông tin.

Tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa được tỉnh Cà Mau tổ chức, tại đây các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều vấn đề cần thực hiện thời gian tới nhằm chủ động nguồn nguyên liệu xuất khẩu đối với hàng rào kỹ thuật rất khắt khe khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi Việt Nam gia nhập EVFTA có nhiều thuận lợi khi lãi suất, thuế suất giảm, tuy thuận lợi về mặt hàng rào thuế quan nhưng hàng rào kỹ thuật rất khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Năm Căn nhận định, bên cạnh hàng rào thuế quan thì các doanh nghiệp xuất khẩu phải hết sức lưu ý về hàng rào kỹ thuật. Bởi, hàng rào kỹ thuật áp dụng tuỳ theo điều kiện, nhu cầu của phía nhập khẩu.

“EVFTA là “sân chơi mở”, đối với những doanh nghiệp nhỏ nếu không tự chuyển mình và không được hỗ trợ của chính quyền địa phương từ cấp vùng nuôi, quy hoạch thuỷ lợi để có nguồn nước đảm bảo, để có thể quy hoạch nuôi có năng suất tốt, không có dịch bệnh thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Minh Hiển lo lắng.

Một vấn đề khác cũng khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở hiện nay là giá thành thức ăn tôm trong nước cao hơn nước ngoài nên một số doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu. Để kiểm soát vấn đề kháng sinh phải bắt đầu từ việc kiểm soát cải tạo ao đầm, thức ăn. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, muốn vậy doanh nghiệp phải có vùng nuôi.

Về vấn đề này, ông Châu Công Bằng cho rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu là định hướng mà ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện, vì nếu nguyên liệu sản xuất như trước đây thì rất khó để thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, nếu doanh nghiệp tổ chức được vùng nuôi riêng (sản xuất tôm giống, sản xuất được thức ăn rồi tổ chức chế biến, xuất khẩu) thì sẽ dễ dàng nhưng không nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện có thể làm được, vì vậy, phải liên kết trong sản xuất, liên kết với nông dân. Việc quy hoạch, tổ chức sản xuất nguyên liệu là vấn đề cơ bản, cũng là vấn đề khó của ngành nông nghiệp thời gian qua.

Nhiều tháng trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế tại nhiều quốc gia - vốn là thị trường truyền thống của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Cà Mau - bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đáng phấn khởi là đến thời điểm hiện nay ngành xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (chủ yếu là tôm) ước đạt hơn 783 triệu USD.

Ông Châu Công Bằng cho biết, tình hình sản xuất nguyên liệu trong tỉnh từ đầu năm đến nay tuy có giai đoạn khan hiếm, nhưng đến thời điểm hiện tại nhìn chung không hiếm. Theo kế hoạch, sản lượng tôm nuôi năm 2020 đạt 190.000 tấn, dự kiến cả năm đạt sản lượng chỉ tiêu giao. Giá tôm có giảm nhưng không giảm sâu. Theo dự kiến, thị trường tôm xuất khẩu từ nay đến cuối năm có nhiều khả quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục