Tôm chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó

10:47' - 25/08/2015
BNEWS Việt Nam cần có các biện pháp siết chặt quản lý việc bơm agar vào tôm, quản lý kháng sinh, hóa chất cũng như cần cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Trong bối cảnh xuất khẩu tôm giảm mạnh so với năm 2014, việc tập trung sản xuất, cung ứng tôm chất lượng cao với giá cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững trong tình hình khó khăn hiện nay.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo Tôm outlook, tổ chức chiều 24/8 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), thời gian qua, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc đều giảm mạnh. Việc xuất khẩu thủy sản giảm không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà là tình hình chung của thị trường tôm thế giới trong năm nay.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở khu công nghiệp phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nguyên nhân là do giá tôm thế giới giảm mạnh, đồng USD lại mạnh hơn nhiều tiền tệ khác nên tác động không nhỏ tới thương mại tôm thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tôm tại nhiều thị trường lớn giảm đáng kể, trong khi nguồn cung lại tăng trong thời gian gần đây.

Bà Nguyễn Thị Bích, Trưởng kênh thông tin đối ngoại thuộc VASEP cho biết, tôm Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 96 thị trường trên thế giới, trong đó Mỹ, Nhật Bản và EU vẫn là 3 thị trường chính quan trọng nhất. Thị trường Nhật Bản có xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ năm ngoái đến nay, do tác động của suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có lợi thế hơn nhiều nhà cung cấp, do có lợi thế sản xuất tôm sú và là nước cung cấp tôm sú nhiều nhất cho thị trường Nhật Bản. Nhờ lợi thế này, Việt Nam luôn dẫn đầu trong việc cung cấp tôm cho Nhật Bản trong những năm gần đây.

Tại thị trường Mỹ, mặc dù Việt Nam đứng thứ 3 trong số những nhà cung cấp tôm và là nhà cung cấp tôm thịt đông lạnh lớn nhất nhưng Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt với Indonesia và Ấn Độ, do Indonesia không phải chịu thuế chống bán phá giá tôm.

Còn tại EU, Việt Nam cũng là nhà cung cấp tôm đứng thứ 4 ở thị trường này. Đây là thị trường chú trọng nhiều đến vấn đề giá cả và Ecuador có lợi thế hơn về vấn đề này so với Việt Nam. Tuy nhiên, FTA với EU vừa được ký kết sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới góc độ một doanh nghiệp chuyên thu mua thủy sản cung cấp cho thị trường EU, ông Jiro Takeuchi, Giám đốc Công ty thủy sản Uhrenholt cho biết, sau Thái Lan, hiện nay Việt Nam là nước duy nhất có khả năng cạnh tranh trong phân khúc thị trường các sản phẩm giá trị gia tăng, trong đó sushi tôm (loại tôm hấp đã được chế biến), nobashi (tôm bóp, dãn) và các sản phẩm bao bột là những mặt hàng chính.

Nếu Việt Nam đầu tư hơn nữa cho các sản phẩm có hàm lượng nghiên cứu, chế biến thì có thể mở ra nhiều cơ hội cho khai thác thị trường sản phẩm giá trị gia tăng.

Việt Nam cần có các biện pháp siết chặt quản lý việc bơm agar vào tôm, quản lý kháng sinh, hóa chất cũng như cần cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc để phát triển bền vững ngành này.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc cho rằng: Mặc dù xuất khẩu tôm đang gặp nhiều khó khăn song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển ngành này.

Việc tạo thương hiệu sản xuất tôm sạch, truy xuất được nguồn gốc và sản xuất với sản lượng lớn và ổn định. Đồng thời, không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, có thể tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu từ các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... sẽ đảm bảo đầu ra cho tôm Việt Nam. Nếu có nhiều doanh nghiệp có thể làm được như vậy, ngành tôm Việt Nam sẽ phát triển rất bền vững trong thời gian tới.

Thu hoạch tôm sú. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, hiện nay xu hướng thị trường nghiêng về các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm.

Do đó, việc nuôi trồng theo hướng sinh thái, hữu cơ và sản xuất tôm có giá thành cạnh tranh là giải pháp sẽ được ngành nông nghiệp tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhằm phát triển bền vững tôm Việt Nam. Hiện cả nước có trên 708.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, với sản lượng hơn 657.000 tấn.

Theo dự báo của VASEP, từ nay đến cuối năm 2015, nếu tình hình thị trường không được cải thiện, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay có thể chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2014./.

H.Chung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục