Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chính phủ mới: Khí thế mới, nỗ lực mới, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích mới

17:54' - 11/08/2021
BNEWS Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sáng 11/8, tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, theo hình thức trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với nhan đề: "Chính phủ mới: Khí thế mới, nỗ lực mới, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích mới”. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.

“Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị và các điểm cầu địa phương.

Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 - một Phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng và đã được chuẩn bị rất chu đáo về nhiều phương diện, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước hết, tôi xin được thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu cùng các đồng chí tham dự Hội nghị; và đặc biệt xin nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Quốc hội bầu và các đồng chí thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn với số phiếu tín nhiệm rất cao.

Hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt". Vì sao tôi dám nói như vậy? Tôi xin chứng minh: Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải đối phó với dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã tiến hành rất thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021); tiếp theo đó là 3 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (tháng 5/2021); tiến hành Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) để kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đại hội XIII và các nghị quyết hội nghị của Trung ương Đảng. Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương theo đúng tiến độ, kịp thời, với sự đồng thuận, nhất trí cao, dư luận quốc tế rất quan tâm. Chính phủ họp hôm nay cũng chỉ sau Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV có mấy ngày. Tôi được biết, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị để sẽ họp Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Hội nghị này của Chính phủ. Rõ ràng, đây là sự phối hợp rất cần thiết, rất nhịp nhàng, bài bản, và thực tế cho thấy đây là cách làm hợp lý, cho kết quả tốt đẹp.

Chúng ta biết rằng, hệ thống chính trị ở nước ta gồm có 3 bộ phận: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo có nghĩa là Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại. Nhà nước (bao gồm Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp) quản lý có nghĩa là Nhà nước tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, biến nó thành hiện thực. Nhân dân (thông qua Mặt trận, các tổ chức quần chúng thành viên của Mặt trận) làm chủ là chủ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thụ hưởng các thành quả do mình làm ra. Riêng về các cơ quan nhà nước thì Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; Chính phủ là cơ quan hành pháp, có trách nhiệm cụ thể hoá và tổ chức thực hiện, biến luật pháp của Nhà nước, tức cũng là đường lối của Đảng thành hiện thực, tạo ra của cải vật chất, quản lý xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn thể nhân dân, cho đất nước; các cơ quan tư pháp (gồm Tòa án, Viện Kiểm sát,...) là cơ quan bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cho xã hội, cho nhân dân.

Hôm nay, được họp với Chính phủ, tôi xin chỉ tập trung nói riêng về Chính phủ (các nguyên tắc, nội dung, cơ chế hoạt động của Chính phủ) đặt trong mối quan hệ tổng thể của các cơ quan nhà nước, của cả hệ thống chính trị ở nước ta, để chúng ta có cái nhìn bao quát chung về sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của Nhân dân, nhằm một mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thưa các đồng chí,

Như chúng ta đã biết, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Tuyên cáo với quốc dân đồng bào, với toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ Lâm thời của Việt Nam và đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngay sau khi Quốc hội khóa I ra đời (tháng 3/1946), Chính phủ Liên hiệp kháng chiến hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã được thành lập để điều hành đất nước. Từ đó đến nay, trải qua hơn 75 năm, với 15 nhiệm kỳ hoạt động, dưới nhiều tên gọi khác nhau, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước đây cũng như Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, điều hành phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, có những đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1960, Chính phủ đã cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước cải cách dân chủ, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; vừa khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa tiếp tục đấu tranh giành độc lập ở miền Nam và thống nhất đất nước.

Từ năm 1960 đến năm 1975, hoạt động trong thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược (Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Đấu tranh giải phóng miền Nam), Chính phủ đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.

Từ năm 1976 đến nay, Chính phủ nước ta là Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất; tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả và kinh nghiệm của Chính phủ các khoá trước, ngày càng chủ động, tích cực trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh (1976 - 1985); năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986 đến nay), cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, làm cho đất nước ta ngày càng phát triển, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đặc biệt là 5 năm gần đây, nắm bắt được thuận lợi, thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và thiên tai liên tiếp xảy ra, Chính phủ đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhìn một cách tổng thể, chúng ta nhận thấy, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ đều đã để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh; quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thông tin và truyền thông; thực hiện các chính sách xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Cần phải khẳng định, những thành tựu đạt được của Chính phủ trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta - nhân tố quyết định để Chính phủ hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chính phủ các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để cụ thể hóa và thể chế hóa thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Chính phủ. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Quốc hội và Chính phủ với các tầng lớp nhân dân, bám sát thực tế, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng để không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức bộ máy, phương thức và lề lối làm việc, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp; với sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác.

Thưa các đồng chí,

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, nhất trí cao đề ra Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Tầm nhìn đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã kiện toàn một bước các nhân sự chủ chốt trong hệ thống chính trị, ban hành Kết luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025; và đã được Quốc hội khóa XV nhất trí, thể chế hoá tại Kỳ họp thứ nhất mới đây.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, quyết định chỉ đạo của Trung ương trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn trước và gay gắt hơn so với dự báo. Từ đầu năm đến nay, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch COVID-19; đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Kinh tế - xã hội nước ta tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng chưa thật vững chắc; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có khu vực Đông Nam Á và nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số...

(Còn nữa)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục