Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Nguồn thông tin quan trọng

09:24' - 13/04/2019
BNEWS Sau 10 ngày tiến hành tổng điều tra, lực lượng thống kê trong cả nước đã phỏng vấn 62,93% số hộ gia đình trên tổng số hộ; đã hoàn thành điều tra 20,5% số địa bàn.

Dẫn thông điệp của Liên Hợp quốc “Tất cả mọi người đều được tính đến, không ai bị bỏ lại phía sau”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (tổng điều tra) bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4 và đến hết ngày 25/4/2019 như là một cơ hội để “Tất cả mọi người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, cũng là một người được hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Hoàn thành tiến độ

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, sau 10 ngày tiến hành tổng điều tra, lực lượng thống kê trong cả nước đã phỏng vấn 62,93% số hộ gia đình trên tổng số hộ; đã hoàn thành điều tra 20,5% số địa bàn.

Ngay bắt đầu cuộc tổng điều tra, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã đi đến các vùng, miền trong cả nước để thực tế giám sát, chỉ đạo việc điều tra, phỏng vấn của các hộ tại các địa phương.

 Cán bộ điều tra viên phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến điều tra tại hộ gia đình ông Bùi Lưu Hán (145 Hàng Bông). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực miền Tây Nam bộ, tại địa bàn thành phố Cần Thơ, với 2.366 địa bàn; trong đó, có 328 địa bàn điều tra đặc thù; 1.034 địa bàn mẫu, thành phố Cần Thơ đã huy động 1.016 điều tra viên và 96 tổ trưởng tham gia thu thập tin tại địa bàn.

Còn tại Kiên Giang, là địa bàn có rất nhiều đảo, quần đảo gồm 2 thành phố và 13 huyện, với tổng số gần 452,4 nghìn hộ trên 3.256 địa bàn điều tra; trong đó có 360 địa bàn đặc thù. Tỉnh đã huy động trên 2.000 điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên các cấp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Kiên Giang, qua 10 ngày ra quân, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của tỉnh hoàn thành theo tiến độ. Giám sát viên các cấp bám sát địa bàn được phân công hỗ trợ và giúp đỡ điều tra viên khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình phỏng vấn cũng như thực hiện điều tra bằng phần mềm CAPI (điều tra viên phải đến tận hộ điều tra) trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban chỉ đạo tỉnh cho biết, việc chuẩn bị tổng điều tra được tỉnh thực hiện rất bài bản, đúng phương án đề ra. Từ việc thành lập Ban chỉ đạo các cấp đến xác định địa bàn, vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra; tuyển chọn tổ trưởng, điều tra viên; lập bảng kê hộ; tập huấn nghiệp vụ và công nghệ thông tin… đặc biệt hoạt động tuyên truyền được thực hiện rất sáng tạo và chủ động. Ngoài việc lên kế hoạch chi tiết, đầy đủ, tỉnh còn hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động tuyên truyền.

“Nhờ vậy, hoạt động tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, điều tra viên gặp nhiều thuận lợi khi thu thập thông tin tại hộ”, bà Phụng nhấn mạnh.

Theo chân đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện tổng điều tra, chúng tôi đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trường, xã Thạnh Quế, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ. Sau khi trao đổi thông tin cơ bản ông Trường cho biết, gia đình ông nhận được thông tin về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 qua tổ dân phố và các panô - áp phích thông báo tại địa phương.

“Việc cung cấp thông tin là quyền và nghĩa vụ của người dân. Tôi thấy, việc tiếp cận và lấy thông tin tận nhà của từng hộ dân cho thấy sự trung thực và minh bạch nên người dân hoàn toàn ủng hộ,” ông Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, qua giám sát tại các hộ điều tra ở Cần Thơ, một số bất cập đã nảy sinh trong quá trình thu thập thông tin, như: một số điều tra viên còn gặp lúng túng, nhất là khi gặp những hộ phức tạp, nhiều nhân khẩu; thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đôi khi bị treo máy; vẫn còn hiện tượng lỗi khi thực hiện điều tra bằng CAPI, chủ yếu do lỗi phần mềm; đôi khi mạng bị nghẽn, chậm khi đồng bộ dữ liệu.

Công tác hỗ trợ trực tiếp các điều tra viên trên cả nước (Trung tâm Tin học thống kê khu vực I, Tổng cục Thống kê). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Tương tự như Cần Thơ, quá trình thu thập thông tin tại hộ ở Kiên Giang cũng gặp một số khó khăn trong việc đồng bộ dữ liệu hay vướng mắc khi thu thập thông tin về ngày tháng năm sinh, xác định nhân khẩu thực tế thường trú. Đặc biệt, Kiên Giang có nhiều xã đảo nên việc đi lại của điều tra viên khá vất vả…

“Bên cạnh đó, có một số địa bàn điều tra dân cư sống rải rác, xa nhau hoặc ở các khu công nghiệp, dân có nhiều thay đổi về địa điểm, công việc dẫn đến những khó khăn nhất định cho điều tra viên trong khâu thu thập thông tin”, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, ông Mai Quang Khải chỉ ra.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho biết, nếu đến 20/4, địa bàn nào trong tỉnh không kịp thực hiện đúng tiến độ, toàn hệ thống chính trị tại địa phương đó sẽ vào cuộc để kết thúc cuộc tổng điều tra theo đúng tiến độ được giao.

Nguồn thông tin quan trọng

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, người đã 5 lần tham gia vào các cuộc tổng điều tra dân số đánh giá, cuộc tổng điều tra năm 2019 đã được các cấp chính quyền, hệ thống chính trị rất quan tâm. Hoạt động tuyên truyền lần này rất tốt, chặt chẽ và chi tiết, nhiều đài truyền thanh của xã đã phát đi phát lại rất nhiều lần đến từng hộ dân; đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của các điều tra viên rất háo hức, nhiệt tình.

 Điều tra dân số và nhà ở bằng phần mềm CAPI trên điện thoại thông minh. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Khẳng định cuộc tổng điều tra rất ý nghĩa, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cuộc tổng điều tra là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước…

Do đó, qua những ngày đầu kiểm tra, giám sát, ông Nguyễn Bích Lâm đã yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp các tỉnh cần triển khai đúng tiến độ nhằm rút kinh nghiệm điều tra để những ngày sau đạt chất lượng tốt hơn.

Đồng thời, cần quán triệt các điều tra viên làm đúng quy trình CAPI, không sử dụng dữ liệu hành chính trong điều tra. Các giám sát viên các tỉnh, huyện cần tăng cường xuống địa bàn giám sát điều tra đúng phương án; đặc biệt, Ban chỉ đạo các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền…

Để thực hiện thành công cuộc tổng điều tra, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trưởng ban chỉ đạo tổng điều tra thành phố cho rằng, Cần Thơ đã huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc; thực hiện các bước chuẩn bị rất kỹ càng, ngành thống kê đã thể hiện vai trò tích cực, sự phối hợp của các ngành, các cấp rất nhịp nhàng…

 Cán bộ điều tra viên phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến điều tra tại hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Trí (36 Phùng Hưng). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

“Nhằm kịp thời cập nhật thông tin, Ban chỉ đạo tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban chỉ đạo các cấp huyện, xã cần thường xuyên truy cập trang Web điều hành; đồng thời, có thể gửi những câu hỏi, thắc mắc về tổng điều tra. Ban chỉ đạo Trung ương sẽ có giải pháp và hướng dẫn cụ thể”, ông Mai Quang Khải, Ban chỉ đạo tổng điều tra tỉnh Tiền Giang cho biết.

Bên cạnh đó, hầu hết Ban chỉ đạo các cấp tỉnh, huyện, xã đều đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương cần sớm phê duyệt dự toán và bổ sung kinh phí còn thiếu cho tỉnh để chi những khoản, mục khi kết thúc điều tra.

“Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được kì vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số. Từ đó, đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện tổng điều tra năm 2029…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

>>> Số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở sẽ được sử dụng rộng rãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục