Tổng điều tra kinh tế năm 2021: Giải pháp nào để đạt hiệu quả cao nhất?

16:18' - 14/04/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ tới triển khai Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh, nhất là đối tượng điều tra là doanh nghiệp, hợp tác xã...

Xác định vị trí, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021, xác định yêu cầu điều tra đúng đối tượng, đơn vị điều tra, thông tin điều tra phải đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót, phù hợp với điều kiện thực tế. Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin … nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện tự cung cấp thông tin.

Để hiểu rõ hơn về cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 tại tỉnh Lâm Đồng, Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Thạnh, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng như nào đến việc tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng?

Ông Nguyễn Công Thạnh: Đại dịch COVID-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng; ảnh hưởng đến sức khỏe của từng doanh nghiệp và người dân.

Chính vì vậy, triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tuy là việc diễn ra thường xuyên 5 năm 1 lần theo Chương trình điều tra Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt song trước bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ tới việc triển khai Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh, nhất là đối tượng điều tra là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể,…

Đặc biệt, việc triển khai hướng dẫn, tiếp cận thu thập thông tin khối doanh nghiệp gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động chờ giải thể do tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 (doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, kết quả khảo sát tác động của dịch năm 2020 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tại Lâm Đồng bị tác động của dịch COVID-19 qua 2 đợt khảo sát lần lượt là 83,73% và 78,68%);

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp tinh giảm lao động, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh nên bộ máy kế toán, cán bộ thống kê doanh nghiệp thay đổi khó khăn tới công tác cung cấp thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống trang điện tử web-form.

Không những thế, doanh nghiệp thường xuyên thay đổi địa chỉ sản xuất kinh doanh do không trả nổi chi phí thuê mặt bằng, địa điểm sản xuất kinh doanh trước đại dịch; trong khi việc cập nhật địa chỉ doanh nghiệp của các ngành quản lý doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn tới việc triển khai Tổng điều tra gặp khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp.

Phóng viên: Vậy việc triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn tỉnh gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Ông Nguyễn Công Thạnh: Trước hết, tôi nhấn mạnh đến những yếu tố thuận lợi, đó là sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, xã; sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cũng như UBND các huyện, thành phố trong triển khai cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Cùng với đó là kinh nghiệm tổ chức các cuộc Tổng điều tra những lần trước, nhất là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Nội dung tuyên truyền được thực hiện sâu, rộng trên toàn quốc và tại địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả đã tuyên truyền đến các đối tượng điều tra về mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của đối tượng điều tra…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng có một số khó khăn nhất định như: cuộc Tổng điều tra diễn ra trong lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc tiếp cận đối tượng điều tra thu thập thông tin. Số lượng doanh nghiệp thành lập vừa và nhỏ chiếm khoảng 80% trong tổng số doanh nghiệp, thường xuyên thay đổi địa chỉ; trong khi việc cập nhật địa chỉ doanh nghiệp của các ngành quản lý doanh nghiệp cập nhật chưa kịp thời.

Việc thu thập thông tin theo hình thức trực tuyến, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng yêu cầu cao hơn so hình thức thu thập truyền thống bằng phiếu giấy, số lượng lớn các tài khoản truy cập song hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thống kê còn hạn chế, trong quá trình triển khai có thời điểm hệ thống bị quá tải, gián đoạn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ở Lâm Đồng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện để tham gia cung cấp thông tin trực tuyến trên trang thông tin điện tử web-form…

Phóng viên: Xin ông cho biết, những điểm khác biệt trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tại địa phương?

Ông Nguyễn Công Thạnh: So với các Tổng điều tra kinh tế trước đây, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có nhiều điểm mới, được coi là những cải tiến quan trọng, đó là: ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả công đoạn Tổng điều tra, nội dung điều tra được thiết kế trong các bảng hỏi điện tử (Web-form) đối với khối doanh nghiệp, hành chính, sự nghiệp, hiệp hội và theo phiếu điện tử đối với khối cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng. Tổng điều tra lần này không sử dụng phiếu giấy.

Nội dung phiếu điều tra bổ sung câu hỏi thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; nhóm câu hỏi nghiên cứu về nữ giới là lãnh đạo, giám đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã; nhóm câu hỏi nghiên cứu về cải cách hành chính, tinh giản biên chế trong cả giai đoạn 2015-2020; đồng thời, sử dụng triệt để các dữ liệu hành chính, đặc biệt là cơ sở của ngành thuế nhằm giảm thiểu các thông tin yêu cầu thu thập trong điều tra doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin ông cho biết những giải pháp mà Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế 2021 tỉnh Lâm Đồng đưa ra để điều tra khối doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Nguyễn Công Thạnh: Xác định vị trí, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021, xác định yêu cầu điều tra đúng đối tượng, đơn vị điều tra, thông tin điều tra phải đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót, phù hợp với điều kiện thực tế.

Để thực hiện hiệu quả điều tra giai đoạn 1; trong đó, khối doanh nghiệp có số lượng lớn, phạm vị rộng, phức tạp về chỉ tiêu thu thập. Song song với các biện pháp triển khai đồng bộ thực hiện tất cả các khâu công việc Tổng điều tra kinh tế trên địa bàn tỉnh, đối với khối doanh nghiệp, Ban chỉ đạo tỉnh đã đề ra các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về Tổng điều tra kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua trang thông tin web ngành thống kê, ngành thuế, qua Email của doanh nghiệp… nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện tự cung cấp thông tin;

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính như dữ liệu thuế, đăng ký kinh doanh; đồng thời, phối hợp ngành liên quan thuế, kế hoạch cùng triển khai rà soát, xác định rõ địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, lập danh sách các doanh nghiệp còn hoạt động, tạm ngừng, ngừng chờ phá sản trên địa bàn tỉnh có đến 31/12/2020;

Do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc triển khai tập huấn trực tiếp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đó, điều tra viên thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong qúa trình điền thông tin trên phiếu điều tra trực tuyến. Trường hợp doanh nghiệp không có đủ điều kiện kê khai thông tin trực tuyến, điều tra viên sẽ điều tra trực tiếp kê khai thông tin đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định.

Đối với số lượng doanh nghiệp không triển khai được, sử dụng lực lượng điều tra viên được tập huấn kỹ lưỡng trực tiếp đến các doanh nghiệp để triển khai, hướng dẫn kê khai thông tin; đồng thời, chủ động ứng phó dịch bệnh COVID-19, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho điều tra viên. Tuân thủ các quy định phòng dịch tại địa bàn, đơn doanh nghiệp trong quá trình tiến hành thu thập số liệu.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục