Tổng thống Mỹ ký ban hành luật ngăn chính phủ đóng cửa

07:48' - 10/03/2024
BNEWS Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/3 đã ký ban hành luật chi tiêu của chính phủ nhằm duy trì hoạt động của một loạt cơ quan liên bang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/3 đã ký ban hành luật chi tiêu của chính phủ nhằm duy trì hoạt động của một loạt cơ quan liên bang, trong bối cảnh các nhà lập pháp chuyển trọng tâm sang những dự luật phân bổ ngân sách còn lại.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Biden đã ký gói 6 dự luật chi tiêu trị giá 460 tỷ USD, vừa được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 8/3 với tỷ lệ 75 phiếu thuận và 22 phiếu chống. Gói ngân sách này tài trợ cho các Bộ Cựu chiến binh, Nông nghiệp, Thương mại, Tư pháp, Năng lượng, Nội vụ, Giao thông vận tải, Phát triển Nhà ở và Đô thị, cũng như một số chương trình xây dựng quân sự, phát triển nguồn nước... cho đến cuối tài khóa 2024 (kết thúc vào ngày 30/9 tới).

 

Trước đó, ngày 7/3, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ 339 phiếu thuận và 85 phiếu chống. Biện pháp này phù hợp với thỏa thuận giới hạn chi tiêu đã đạt được giữa cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Tổng thống Biden hồi năm ngoái.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của đảng Cộng hòa và ông Schumer đã tái khẳng định thỏa thuận chi tiêu, trong đó đặt ra mức chi tiêu hàng đầu là 1.650 tỷ USD và bao gồm 69 tỷ USD điều chỉnh là một phần của “thỏa thuận phụ” nhằm nâng giới hạn nợ liên bang vào năm 2023.

Dù Mỹ đã bắt đầu năm tài chính 2024 được hơn 5 tháng (từ ngày 1/10/2023), song Quốc hội nước này vẫn chưa phê duyệt 12 dự luật chi tiêu hàng năm của ngân sách liên bang, khiến một số cơ quan chính phủ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa từ ngày 9/3.

Hiện các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ nỗ lực thông qua gói chi tiêu lớn hơn gồm 6 dự luật phân bổ ngân sách còn lại để tài trợ cho các Bộ Quốc phòng, Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, An ninh Nội địa và những ưu tiên khác trước thời hạn chót vào ngày 22/3 tới. Tổng cộng, 2 gói chi tiêu này trị giá 1.660 tỷ USD.

Các nhà lập pháp đánh giá đợt tài trợ đợt thứ hai là khó khăn hơn, vì các nhân vật bảo thủ đang tìm cách gắn kết những người thực thi chính sách để ngăn Lầu Năm Góc hoàn trả chi phí đi lại cho các quân nhân phá thai và cắt lương của Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas sau khi đảng Cộng hòa tại Hạ viện luận tội ông hồi tháng trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục