Tp. HCM cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống có 5.000 ca mắc COVID-19

21:52' - 16/06/2021
BNEWS Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Tp Hồ Chí Minh đã có hơn 1.000 ca mắc trong cộng đồng, đây cũng là thời điểm Thành phố cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống có 5.000 ca mắc để lên kế hoạch ứng phó.

Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh hơn nữa công tác xét nghiệm, đa dạng các phương án test nhanh, xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp một cách linh hoạt nhằm phát hiện sớm các trường hợp F0, từ đó khoanh vùng, dập dịch, hạn chế sự lây lan của dịch trong cộng đồng.

Đây là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sau 2 ngày được phân công Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 (lần 2) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1.000 ca mắc trong cộng đồng, đây cũng là thời điểm Thành phố cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống có 5.000 ca mắc để lên kế hoạch ứng phó.

Đặc biệt là công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị cho các trường hợp F0 và cách ly tập trung cho những người thuộc diện F1.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận xét, các ổ dịch lớn trong cộng đồng hiện nay là ổ dịch Nhóm Truyền giáo Phục Hưng, Khu chung cư Ehome 3, ổ dịch huyện Hóc Môn, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc... đã tạm thời ổn định, số ca mắc mới đã giảm dần. Còn đối với các ca bệnh, nhóm lây nhiễm nhỏ trong cộng đồng, Thành phố cũng đang nỗ lực truy vết, khoanh vùng nhỏ theo từng khu vực. Trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh thì Thành phố cần đẩy nhanh công tác xét nghiệm, đặc biệt sử dụng công cụ test nhanh để phát hiện F0 sớm hơn so với trước đây.

Với ý kiến thí điểm cách ly người thuộc diện F1 tại nhà do các khu cách ly tập trung đang dần trở nên quá tải mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong khi dịch lây lan rộng tại nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã bàn bạc xây dựng phương án cách ly tại cơ sở sản xuất, tại nơi lưu trú khi các khu cách ly tập trung quá tải. Tuy nhiên, cách ly ở đâu thì cũng phải đảm bảo các điều kiện về y tế, khoảng cách... Đơn cử như các nhà trọ, nhà thiết kế dạng ống có quá đông người thì không thể được sử dụng để cách ly F1. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo các tiêu chí cách ly tại nhà, nơi sản xuất đối với các trường hợp F1 và sẽ áp dụng khi cần thiết. Đặc biệt, trong làn sóng dịch lần này, Bộ Y tế đã xây dựng tiêu chí cách ly tại nhà cho người dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Dự kiến sẽ thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Về vấn đề vaccine phòng COVID-19, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được Chính phủ ưu tiên về vaccine. Cụ thể, thời gian tới, Thành phố được phân bổ 800.000 liều vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ thì trong đợt này Thành phố tập trung tiêm phòng vaccine trong các khu công nghiệp, đặc biệt là các công nhân tham gia sản xuất.

Về việc tiếp nhận, bảo quản, thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Viện Pasteur đảm bảo năng lực tiếp nhận, bảo quản số lượng vaccine mà Bộ Y tế phân bổ. Thành phố cũng có kế hoạch huy động nhiều lực lượng kể cả quân đội, các trường đại học, bệnh viện từ trung ương đến địa phương tới trạm y tế xã/phường để tổ chức các ê-kíp tiêm chủng đảm bảo tiêu chí an toàn, tổ chức các điểm tiêm vaccine lưu động để hoàn thành việc tiêm chủng trong thời gian ngắn nhất. Với sự huy động này, Thành phố có thể tiêm phòng được 200.000 mũi vaccine mỗi ngày, như vậy, trong khoảng 1 tuần, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành công tác tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên./.

>>TP.HCM: Phong tỏa 6 xí nghiệp, nhà máy, xưởng may

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục