Xu hướng tìm kiếm các quỹ đất lớn xung quanh Tp. Hồ Chí Minh

16:25' - 16/07/2020
BNEWS Những tháng còn lại của năm 2020 thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại tọa đàm “Xu hướng thị trường bất động sản sau COVID-19” do Báo Tuổi trẻ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/7, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở của Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, trong vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều khu đô thị được xây dựng ở các địa bàn gần Tp. Hồ Chí Minh. Đây là xu hướng phát triển của nhiều chủ đầu tư lớn khi dời suất đầu tư ra thành phố nhằm tìm kiếm quỹ đất lớn hơn.
Cũng theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, những tháng còn lại của năm 2020 thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xu hướng đầu tư sẽ giảm rất nhiều, tuy nhiên nhu cầu nhà ở vẫn luôn ổn định, nhất là phân khúc phù hợp với túi tiền.
Về ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên thị trường nhà ở thành phố, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các sản phẩm bất động sản bị ảnh hưởng nặng nhất như nhà phố cho thuê, trung tâm thương mại, khách sạn, nhất là khu vực trung tâm thành phố. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp đang có nhu cầu lớn trong thời gian tới do doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển đến đầu tư tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng thành phố đã cấp phép huy động vốn cho 16 dự án nhà ở (quy mô huy động vốn khoảng 20.000 tỷ đồng), giảm 42 % so với cùng kỳ năm 2019 với 5.500 căn hộ được phép bán nhà ở trong tương lai, trong đó căn hộ cao cấp, trung cấp chiếm 70%.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản thành phố gặp khó khăn từ 2018 do sự chồng chéo quy định pháp luật, việc xử lý và cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Đến năm 2020  thị trường trở nên trầm trọng hơn do dịch COVID-19.
Tuy vậy, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục xu hướng phát triển trong thời gian tới. Vấn đề là thành phố và Trung ương phải tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất lâu nay của thành phố về hạ tầng giao thông cùng với điểm nghẽn chính sách, xung đột pháp lý qua đó giải quyết cho nhiều dự án đang ách tắc.
Nhận định về xu hướng phát triển nhà ở trong thời gian tới, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố đã có định hướng phát triển nhà ở cho từng khu vực. Cụ thể, đối với khu vực trung tâm hiện hữu, thành phố hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Tại khu vực quận nội thành hiện hữu, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại vị trí có hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội tương đứng. Ở các quận nội thành phát triển sẽ phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Trong khi đó, các huyện ngoài thành sẽ ưu tiên phát triển khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
“Thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho dự án nhà ở, pháp lý đất đai đảm bảo thủ tục thông suốt, đúng quy định pháp luật. Ngoài ra thành phố đã giao Sở Xây dựng xây dựng quy trình thực hiện dự án nhà ở thương mại, đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sẽ ngăn chặn, xử lý các thông tin về dự án bất động sản không chính xác để hạn chế rủi ro cho người mua”, ông Phạm Đăng Hồ thông tin thêm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, xu hướng phát triển nhà ở sắp tới tại khu vực trung tâm thành phố có thể theo mô hình nén gắn với chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng xây dựng nhà cao tầng, các quỹ đất còn lại xung quanh dành bố trí không gian, tiện ích công cộng như công viên, mảng xanh, thoát nước…
Dưới góc độ quy hoạch, theo Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Tp. Hồ Chí Minh, đang có sự chuyển dịch đầu tư bất động sản từ thành phố ra khu vực xung quanh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước. Các địa bàn xung quanh thành phố đang ngày càng phát triển và là các cực phát triển rất mạnh. Trong khi thành phố không còn nhiều quỹ đất trống có diện tích lớn, ngập lụt và kẹt xe vẫn là thách thức khó giải quyết.
“Tuy nhiên Tp. Hồ Chí Minh vẫn là thị trường bất động sản sôi động nhưng sẽ phát triển theo hình thái khác, không thể phát triển ở khu vực nội thành và tập trung nhiều hơn vào chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Bất động sản công nghiệp cũng sẽ có cấu trúc khác, không chỉ tập trung vào sản xuất mà có thể hình thành chức năng kho hàng. Tương tự sản phẩm shophouse có thể sẽ giảm do ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến sẽ tiết giảm khâu trung gian, đưa hàng trực tiếp từ sản xuất đến người tiêu dùng mà ít phải qua các hệ thống cửa hàng, siêu thị…”- Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà nêu ý kiến./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục