TP. HCM mở cửa theo lộ trình và đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép"

14:22' - 30/09/2021
BNEWS UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố các nội dung về việc kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc mở cửa sẽ được thực hiện theo lộ trình và một số nguyên tắc nhằm đảm bảo "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân không được tự ý rời khỏi thành phố

Sau ngày 30/9, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không cấp giấy đi đường, song người dân khi tham gia lưu thông vẫn phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, cần xuất trình giấy tờ chứng minh là bệnh nhân COVID-19 (các F0) đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

UBND Thành phố lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố và các trường hợp cấp thiết phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố tổ chức sáng 30/9, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ sử dụng biện pháp kiểm soát khác thay cho giấy đi đường trước đây đối với người dân đủ điều kiện lưu thông.

Lực lượng Công an sẽ duy trì 12 chốt chính tại khu vực giáp ranh các tỉnh, địa phương và các chốt phụ. Tổng cộng có 51 chốt phụ với sự phối hợp Công an địa phương kiểm soát người ra vào Thành phố.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, sau ngày 30/9, Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giải tỏa tất cả các chốt trong nội đô nhưng sẽ tăng cường kiểm soát đột xuất, ngẫu nhiên trên đường. Bên cạnh đó, trong thời gian ứng dụng PC-COVID chưa được cập nhật, đồng bộ và đưa vào sử dụng, người dân có thể trình giấy xác nhận tiêm chủng ít nhất 1 mũi, hoặc trường hợp F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày có giấy xác nhận cũng được lưu thông.

Nếu không thể ứng dụng công nghệ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ linh động, kiểm tra để tạo điều kiện cho người dân. Công an Thành phố có thể thành lập một số chốt lưu động, tổ chức kiểm tra cả test nhanh y tế khi cần thiết.

Với những người có mong muốn về quê, rời thành phố, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý người dân không được tự ý đi bằng xe cá nhân. “Với 51 chốt, nếu người dân cùng về các tỉnh sẽ gây ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của chuỗi cung ứng hàng hóa. Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Công an các địa phương để kiểm soát, xử lý. Nếu người nào cố ý, tự ý rời Thành phố làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cũng khẳng định, việc kiểm soát này nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho tất cả người dân. Mỗi tỉnh, thành có mức độ phủ vaccine và dịch bệnh khác nhau. Do đó, người dân có nhu cầu về quê phải di chuyển theo tổ chức để tránh xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh.

Đối với việc lưu thông hàng hóa, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa thành phố với các địa phương được thuận lợi.

Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi Thành phố. Những người giao hàng thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Kêu gọi người lao động ở lại làm việc

Sau ngày 30/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa hoạt động một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý, các đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình và phải đảm bảo công nhân tham gia tổ chức sản xuất. UBND Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi lực lượng lao động ở lại Thành phố để tham gia lao động, đảm bảo cuộc sống của mình.

“Tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất hiện đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Trước khi ban hành Chỉ thị mới, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp gặp các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Các ý kiến này đều mong muốn công nhân quay lại sản xuất, được ưu tiên tiêm vaccine. Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại thành phố”, ông Lê Hòa Bình cho biết.

Riêng kế hoạch liên vùng, Thành phố cũng đã có Bộ 10 tiêu chí gửi cho 4 tỉnh, thành lân cận. Nguyên tắc là đưa đi và đón về. Thành phố cũng thống kê số lượng công nhân ở các tỉnh đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn cần tổ chức đưa đón để có kế hoạch cụ thể.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai gói hỗ trợ đợt 3; có chính sách hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch COVID-19; hỗ trợ gạo, huy động mọi người lực giúp đỡ người khó khăn.

Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ đợt 2. Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện, bồi dưỡng, củng cố lực lượng lao động trở lại sản xuất, kinh doanh, không để thiếu hụt lao động. Hầu hết công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát phòng, chống dịch

Để chuẩn bị hoạt động trong điều kiện "bình thường mới", UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn.

Đến ngày 15/10, các cơ sở này quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của Thành phố (hoặc ứng dụng PC-COVID).

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, trang An toàn COVID-19 để lấy mã QR bắt đầu hoạt động từ trưa 30/9.

Các đơn vị, doanh nghiệp có thời gian từ nay đến 15/10 để triển khai mã QR này. Các địa điểm sẽ có bộ phận kiểm tra người đến liên hệ công tác, giao dịch.

Thông qua ứng dụng có thể giám sát những người này có đủ điều kiện theo Bộ tiêu chí mà Thành phố quy định. Đây là hình thức đăng ký trực tuyến, doanh nghiệp không cần trực tiếp đến cơ quan nhà nước để lấy mã.

Đối với việc kiểm soát dịch, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai ứng dụng “Y tế HCM” trong đó có lịch sử tiêm chủng và F0 khỏi bệnh. Ứng dụng có đủ thông tin xác định điều kiện của từng người. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, trong sáng 30/9, ứng dụng PC-COVID cũng đã chính thức đi vào hoạt động.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai chuyển dữ liệu của người dùng Y tế HCM vào ứng dụng PC-COVID, tiến tới trở thành một phần của PC-COVID.

Người dân chỉ cần khai báo đúng số điện thoại và thông tin, các nội dung sẽ tự động chuyển để tạo tiện ích cho người sử dụng. Hiện ứng dụng Y tế HCM có khoảng 1,5 triệu người dùng và có 52 triệu tờ khai y tế.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy mạnh cải cách hành chính cũng là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn mới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giải quyết hiệu quả, không phát sinh thêm thủ tục hành chính không thật cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, huy động mọi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp tham gia phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong vùng; nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động.

“Thành phố sẽ triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp cao hơn hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp”, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục