TP. HCM yêu cầu xử lý hơn 80.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm

11:19' - 25/07/2023
BNEWS Trước việc hơn 80.000 doanh nghiệp trên địa bàn chậm đóng các loại bảo hiểm, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết tình tình hình này.
Trước việc hơn 80.000 doanh nghiệp trên địa bàn chậm đóng các loại bảo hiểm, gây khó khăn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết tình tình hình này, trong đó giao Công an phối hợp xác minh, củng cố hồ sơ để đề nghị khởi tố một vài đơn vị vi phạm.
 

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn đã được thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Đa số các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách này cho người lao động nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thành phố, tính đến ngày 30/6, tổng số doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 82.258 đơn vị với số tiền chậm đóng là 6.222 tỷ đồng (chiếm 7,26% kế hoạch thu). Trong số đó, có 29.478 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền 3.392 tỷ đồng (chiếm 54,52% tổng số tiền chậm đóng), đặc biệt có tới  26.609 đơn vị chậm đóng từ 24 tháng trở lên với số tiền 2.874 tỷ đồng...

Để chính sách bảo hiểm phát huy hiệu quả, kịp thời xử lý các vi phạm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm về pháp luật bảo hiểm.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Công an Thành phố phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, trong đó thực hiện xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng bảo hiểm theo Điều 216 Bộ luật Hình sự hoặc yêu cầu các doanh nghiệp chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết, thực hiện nộp tiền bảo hiểm theo tiến độ.

UBND Thành phố giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố phối hợp cung cấp thông tin về lao động, việc làm cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để quản lý việc đóng bảo hiểm và giải quyết chi trả các chế độ bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong khi đó, Liên đoàn Lao động Thành phố thông báo tình hình chậm đóng của doanh nghiệp cho Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp để thông tin lại cho người lao động được biết và tác động để doanh nghiệp nộp kịp thời.

Điều này giúp hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm quá lâu và quá lớn sẽ không khắc phục được, dễ dẫn tới tranh chấp phức tạp khi quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động không được giải quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục