TP. Hồ Chí Minh chờ ngày hái “quả ngọt” tăng trưởng kinh tế
Đây cũng là cơ sở để thành phố tiến sang giai đoạn bứt tốc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng nhận nhiệm vụ tạo xung lực với quyết tâm phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 10%. Một loạt giải pháp đang được TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai nhằm hướng đến mục tiêu này.
Kỳ vọng sự bứt phá từ các động lực tăng trưởng
Chia sẻ với báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh một lần nữa bày tỏ sự quyết tâm, thành phố xác định mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào năm 2025 và cả giai đoạn 2026 - 2030.
Để đạt mức tăng trưởng đó, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích các động lực tăng trưởng mới song song với phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống.
Cụ thể, thành phố đang tái cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tạo giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn; đồng thời, tái cơ cấu các ngành dịch vụ chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ được làm mới liên tục, bởi đây vẫn là nền tảng quan trọng, đóng góp lớn cho tăng trưởng.
TP. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Những năm qua, thành phố đã tập trung rất nhiều cho các động lực mới này và đến nay, kinh tế số đã tương đối rõ nét; còn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng có những đóng góp nhất định. Nhiều doanh nghiệp thành phố đã thực hành các tiêu chí xanh để tiếp cận được những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…
Người đứng đầu UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả trên là sự chuyển động của cả một quá trình. Thành phố đã nhìn thấy và "nuôi dưỡng" các nguồn lực mới, vừa là đòn bẩy tăng trưởng cao nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, câu chuyện cải cách thể chế tiếp tục được đặt thành phố đặt lên hàng đầu nhằm mở đường cho tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế thành phố có sự chuyển dịch và duy trì theo hướng hiện đại. Năm 2024, khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thành phố, khi chiếm tỷ trọng 65,5% GRDP; tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,5% và còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,3%.
Đáng chú ý, 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố chiếm hơn 60% GRDP và đóng góp 62,5% mức tăng GRDP năm 2024; trong đó, các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu ngành của thành phố.
Đơn cử, năm 2024, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng tích cực góp phần thúc đẩy dịch vụ logistic, vận tải là ngành có mức tăng trưởng cao nhất 17,85% và đóng góp đến 25,4% vào mức tăng GRDP.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng mới, TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung xây dựng các quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giai đoạn 2025-2030. Thành phố đặt mục tiêu là đến năm 2030 về cơ bản sẽ hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông, giao thông nội bộ và giao thông kết nối, trừ đường sắt đô thị phải đến 2035. Đây được xem là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các dự án đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2025 và giai đoạn sau đó.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Sự quyết tâm cao của chính quyền TP. Hồ Chí Minh cho mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn mới đang nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, việc TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số cho thấy sự kỳ vọng và quyết tâm trong việc tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặt trong bối cảnh thực tế của thành phố, nhiệm vụ này khá nặng nề nhưng không phải không có cơ sở. Những biến động khó lường của kinh tế - chính trị toàn cầu trong 3 năm qua khiến không ít doanh nghiệp có tâm lý dè dặt, hoạt động cầm chừng để theo dõi thị trường. Điều này tạo ra sức nén trong việc đưa vốn vào sản xuất kinh doanh. Có thời điểm, ngân hàng dội vốn, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vì lãi suất ngân hàng cao hơn lợi nhuận kinh doanh.
Năm 2024, với sự vào cuộc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, một trong những "điểm nghẽn" của đầu tư sản xuất những năm trước là dòng vốn đã được khơi thông, các ngân hàng đang hỗ trợ lãi suất thấp. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện theo hướng chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại, trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng như bất động sản, thuế, hải quan…
"Bước vào năm 2025, khi các vướng mắc được tháo gỡ, nguồn lực được khơi thông tạo điều kiện để các dự án bất động sản khởi sắc; trình độ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp ngày càng nâng cao, thị trường xuất khẩu hàng hoá được mở rộng. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 đã được thành phố ban hành từ năm 2024 sẽ tạo động lực để doanh nghiệp giải nén tâm lý, mạnh dạn "bung sức" ra đầu tư, kinh doanh", ông Vũ nhận định.
Trong khi đó, ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài, "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024" do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện mới công bố cho thấy, hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nhu cầu thị trường nội địa mở rộng, tỷ lệ kinh doanh có lãi gia tăng, chính trị - xã hội ổn định là những yếu tố thu hút doanh nghiệp Nhật Bản. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Văn phòng JETRO TP. Hồ Chí Minh là nơi có số lượng doanh nghiệp đến tìm hiểu thông tin đầu tư kinh doanh cao thứ hai trong tổng số 76 văn phòng trên toàn cầu, chỉ sau Bangkok (Thái Lan) cho thấy sức hút của địa phương.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, TP. Hồ Chí Minh sở hữu thế mạnh đặc biệt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là địa phương có nhiều trường đại học hàng đầu, là yếu tố hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. TP. Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín có cơ hội tìm được công việc phù hợp với năng lực. Đây sẽ là nền tảng để khai thác tối đa lợi thế về nhân lực; đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn
Thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều ẩn số khó lường, việc TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2025 sẽ là thách thức rất lớn. Dữ liệu tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, kể từ năm 2016 đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) chưa bao giờ đạt 2 con số.
Trong 5 năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất là 9,03% vào 2022, nhưng do mức nền so sánh thấp khi kinh tế thành phố năm 2021 suy giảm âm 6,78% vì COVID-19.
Ngay cả năm 2024, mặc dù GDRP tăng trưởng khá 7,17% và các chỉ tiêu kinh tế khác đều đạt kết quả tích cực, tuy nhiên, chỉ tiêu GRDP thực tế không đạt mục tiêu 7,5-8% đề ra trước đó. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% từ năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ cần những giải pháp mang tính đột phá và đồng bộ.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì thành phố phải khẩn trương, tận dụng đà đang phục hồi của các ngành và khơi dậy các động lực mới.
Theo ông, thành phố cần khởi động nhanh, mạnh các dự án đầu tư công ngay trong tháng 1/2025 để tạo lực đẩy, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông. Qua đó, tạo động lực cho hoạt động xây dựng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; đồng thời cần giải quyết 2 vấn đề nổi bật là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.
"Ngành công nghiệp đang trên đà phục hồi và sẽ là điểm tựa đóng góp tăng trưởng trong năm 2025 nhưng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận để tận dụng ưu đãi. Vì vậy, thành phố cần sớm rà soát, đánh giá, tái cơ cấu khu công nghiệp cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm giữ chân và thu hút doanh nghiệp mới. Thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử, nâng cấp hạ tầng giao thông, kho bãi là điều kiện cần thiết để giảm chi phí logistics, qua đó giúp TP. Hồ Chí Minh duy trì động lực trung tâm bán buôn cả nước", ông Hoàng đề xuất.
Nhìn vào cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, nếu không tập trung vào ngành dịch vụ thì khó tăng trưởng 2 con số khi ngành này chiếm đến 65%.
Theo Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, yếu tố cơ cấu kinh tế nội tại của thành phố đang phát triển theo chiều rộng, trong khi các ngành thuộc phân khúc giá trị gia tăng cao còn ít.
Vị chuyên gia này cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung rà soát lại những vướng mắc còn tồn tại, nhất là đối với các dự án bất động sản; đồng thời thúc đẩy các ngành dịch vụ, trong đó có chính sách kích cầu mạnh mẽ hoạt động du lịch, hoạt động lễ hội, showbiz… Qua đó tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hạ tầng liên kết vùng để TP. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới - Bài cuối: Khơi thông cửa ngõ
21:00' - 28/01/2025
Việc sớm xây dựng các cơ chế đặc thù chính là giải pháp quan trọng với Thành phố Hồ Chí Minh để tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư phát triển hạ tầng liên kết vùng.
-
Kinh tế Việt Nam
Hạ tầng liên kết vùng để TP. Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới - Bài 1: Kết nối còn thiếu và yếu
20:30' - 28/01/2025
Bức tranh hạ tầng giao thông vẫn là bài toán đầy thách thức với Thành phố Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên mới , khi chưa có tuyến vành đai hoàn chỉnh và cao tốc kết nối đã quá tải.
-
Kinh tế & Xã hội
Cháy 7 căn nhà ở trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
17:36' - 28/01/2025
Đầu giờ chiều 28/1 (tức 29 tháng Chạp), một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại dãy nhà trong hẻm trên đường Trần Đình Xu, phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Hàng hoá
Tp. Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn cung và giá cả hàng hóa
12:21' - 28/01/2025
Ngày 28/1 tức 29 tháng Chạp, ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết kênh bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống đều chỉ kinh doanh chủ yếu buổi sáng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025
11:04'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện thể chế - 1 trong 3 đột phá chiến lược.
-
Kinh tế Việt Nam
SỰ KIỆN KINH TẾ VIỆT NAM NỔI BẬT TUẦN QUA
08:41'
Giá vàng trong nước liên tục tăng và lập đỉnh lịch sử, chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau quyết định thuế của Chính phủ Mỹ... là một số sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật tuần qua.
-
Kinh tế Việt Nam
Mô hình chính quyền hai cấp: Hình thành đơn vị hành chính cấp xã mới gồm xã, phường, đặc khu
21:37' - 12/04/2025
Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.
-
Kinh tế Việt Nam
Trung ương thống nhất kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện
21:29' - 12/04/2025
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ
21:23' - 12/04/2025
Ngày 12/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương thống nhất số đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố
17:00' - 12/04/2025
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu Phát biểu Bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
-
Kinh tế Việt Nam
Bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử
16:57' - 12/04/2025
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc chiều 12/4.
-
Kinh tế Việt Nam
Giảm thủ tục, hỗ trợ hợp tác xã giải "cơn khát" vốn
16:43' - 12/04/2025
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, quy trình cho vay riêng biệt nhằm giảm thủ tục, rút ngắn thời gian tạo điều kiện cho hợp tác xã sớm tiếp cận nguồn vốn.
-
Kinh tế Việt Nam
Truyền thông Mỹ Latinh: Việt Nam mở “cánh cửa thép” trong quan hệ thương mại với Mỹ
12:42' - 12/04/2025
Hãng thông tấn Prensa Latina nhận định quyết định khởi động đàm phán về hiệp định thương mại bao gồm vấn đề thuế quan đã mở ra “cánh cửa thép” trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.