Tp Hồ Chí Minh: Công nghiệp trọng điểm lấy lại đà tăng trưởng

14:01' - 01/04/2021
BNEWS Quý I/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5% so với cùng kỳ và cao hơn 3,7 điểm phần trăm so với mức tăng chung toàn ngành.

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I/2021 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn thành phố tăng 7,5% so với cùng kỳ và cao hơn 3,7 điểm phần trăm so với mức tăng chung của toàn ngành.

Các chỉ số này đã phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đã và đang được kiểm soát tốt nên tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

*Sản xuất công nghiệp tăng

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2021 ước tăng 29,4% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Các ngành duy trì sản xuất tăng trong quý I/2021 so với cùng kỳ, gồm: sản xuất hàng điện tử tăng 24,7%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống (14,5%); cơ khí (1,8%)... so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số ngành gặp khó khăn trong năm 2020 thì trong quý I/2021 đã tăng trưởng khá so với cùng kỳ như sản xuất đồ uống tăng 30,0%; sản xuất thiết bị điện (20,1%); sản xuất máy móc, thiết bị (11,8%)...

Trong  4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2021 của ngành sản xuất hàng điện tử tăng 24,7%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 14,5%; ngành cơ khí tăng 1,8% so với cùng kỳ. Riêng ngành hóa dược - cao su - nhựa giảm 3,9% so với cùng kỳ.

Ở quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 10,58 tỷ USD, tăng 5,8%.

Còn kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước đạt 13,63 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh giảm, đại diện Sở Công Thương cho rằng, nhiều thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19 nên hoạt động giao thương, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy trên toàn cầu.

Điển hình, xuất khẩu vào Hoa Kỳ (thị trường lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 14,9% kim ngạch xuất khẩu) giảm 17,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu vào EU (thị trường lớn thứ 4, chiếm tỷ trọng 13,2% tỷ trọng xuất khẩu) giảm 0,1% so với cùng kỳ...

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến mở rộng thị trường...

Đặc biệt, thành phố chú trọng tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút mạnh mẽ nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển nhanh, hiệu quả.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp luôn được xác định có vai trò quan trọng và thương mại là thế mạnh của thành phố.

Do đó, trong quý II/2021, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện các đề án, chương trình được duyệt, gồm: Đề án Phát triển thƣơng mại điện tử trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Song song đó, triển khai phong phú hoạt động hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố, được ban hành theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 5/2/2020 về ban hành Danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025”.

*Sản lượng hàng hóa dồi dào

Trong quý I/2021, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn thành phố thông qua hệ thống 237 chợ, 238 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những điểm thu hút tiêu dùng do tạo được niềm tin cho người mua về nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn theo chương trình bình ổn thị trường của thành phố.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt 90.712 tỷ đồng, tăng 3,26% so với tháng trước và tăng 19,6% so với tháng cùng kỳ năm 2020.

Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 279.045 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 156.506 tỷ đồng, tăng 12,0% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,09% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; trong đó, doanh thu bán lẻ hầu hết mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng khá trong quý I/2021 có thể kể đến như lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình; ô tô các loại...

Bước vào tháng 4/2021, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đa dạng chương trình kích cầu tiêu dùng. 

Từ 1/4/2021, hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước khởi động hoạt động giảm giá 2.500 sản phẩm nhu yếu, gồm đầy đủ ngành hàng thực phẩm, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc và dụng cụ nhà bếp để tri ân khách hàng.

Trong đó, chương trình “Siêu ưu đãi” vào 3 ngày cuối tuần giảm giá tiền mặt từ 40.000 - 70.000 đồng cho mỗi sản phẩm; “Mua nhiều ưu đãi lớn” miễn phí 0 đồng cho sản phẩm thứ 2 cùng loại.

Ngoài ra, còn có chương trình nhân 6 số điểm, giảm giá đặt biệt cho khách hàng thành viên, tặng phiếu mua hàng và nhiều ưu đãi khác.

Bà Hồ Thị Hồng Đào, Phó Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, 2.500 sản phẩm tham gia giá đến 50% đợt này do Co.opmart phối hợp chủ yếu cùng nhà sản xuất có quy mô vừa và nhỏ trong nước để sản xuất. Sự hợp tác này, giúp nhà sản xuất trong nước tối ưu hóa công suất máy móc thiết bị, chi phí nhân công...

Từ đó, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, mang tới lợi ích cho người tiêu dùng.

Đây cũng là biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp gia công quảng bá hình ảnh thông qua việc Co.opmart là hệ thống siêu thị duy nhất tạo Việt Nam thể hiện đầy đủ thông tin quảng bá cho đơn vị sản xuất trực tiếp trên bao bì sản phẩm.

Còn chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafoods thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SATRA), đang chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc đến 49% và nhiều ưu đãi hóa đơn mua sản phẩm đặc biệt; trong đó, có thể kể đến những sản phẩm giá đặc biệt là combo 2 vỉ trứng gà VFood hộp 10 giá chỉ 32.300 đồng/combo; sữa tươi nguyên kem/ít béo Promess hộp 1 lít (26.900 đồng/hộp); nước xả vải Comfort túi 2.8 lít (121.900 đồng/túi); bộ lau nhà Mega Clean Ombo 06 (139.000 đồng/bộ)...

Theo một số đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh dự báo, sức mua trong tháng 4/2021 sẽ tăng cao do có những ngày Lễ lớn như ngày 30/4 và 1/5. Chính vì vậy, ngay từ thời điểm này nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động nguồn hàng hóa và lên kế hoạch thực hiện liên tục chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục