Sản xuất công nghiệp tìm đường về đích

12:09' - 04/12/2020
BNEWS Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tính chung 11 tháng năm 2020, trong ngành công nghiệp cấp II chỉ có 10/30 đạt chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có mức tăng cao là khai khoáng khác tăng 70,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (19,8%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (19,1%); sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu (8,4%)...

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2020 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm truớc, tăng hơn 4,8 điểm phần trăm 3 so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp; trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 19,8% và ngành hóa dược tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2020 giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, chỉ số tồn kho của ngành này cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi các đối tác thương mại lớn vẫn chưa mở cửa do chưa kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Hiện tại, doanh nghiệp rất cần những biện pháp hỗ trợ kịp thời và mang tính đột phá không chỉ trong ngắn hạn mà cần bao gồm cả dài hạn như: thông tin về thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế. Cùng đó, khai thác thị trường đối tác xuất khẩu mới; thực hiện nhanh việc xem xét miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế; tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước...

Ông Nguyễn Phương Đông cho rằng, tại châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, dịch COVID-19 đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2 với mức lây nhiễm tăng nhanh, đặc biệt tại châu Âu, tốc độ lây nhiễm đang ở mức báo động và một số quốc gia đã đóng cửa biên giới. Dịch COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế, trong khi đó hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Tp. Hồ Chí Minh vẫn đạt được mức tăng trưởng dương là nhờ vào một phần sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thống kê của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong 11 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 5,2% và nhập khẩu giảm 2,3%. Khu vực vốn đầu tư nước ngoài được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 10,7% và nhập khẩu tăng 7,6% so cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2020 đạt 9.738,1 triệu USD, tăng 28,1% so cùng kỳ năm 2019, chiếm 26,3% tỷ trọng xuất khẩu và thâm hụt thương mại lên đến 4.109,5 triệu USD. Tiếp theo, có thể kể đến những thị trường, gồm: Hoa Kỳ, Hongkong (Trung Quốc)...

Riêng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố sang các thị trường châu Âu trong 11 tháng năm 2020 đạt 4.722 triệu USD, tăng 1,7% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn các thị trường mà Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) kim ngạch xuất khẩu chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đánh giá việc hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh để tìm đường về đích năm 2020 là vô cùng gian nan, đồng thời cũng gặp thách thức khi hoạch định chiến lược cho năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong giai đoạn tiếp theo, doanh nghiệp sẽ phải hoàn thiện các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt trên thị trường, cùng với đó cho ra đời nhiều sản phẩm mới bổ sung nguồn hàng đa dạng hơn, phong phú hơn để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Thái Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất - thương mại - dịch vụ Qui Phúc chỉ ra rằng, muốn trụ vững trên thị trường doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao tiện nghi và chất lượng cuộc sống cho con người. Điển hình, để tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của người dân sau dịch, nhà máy của Qiu Phúc vừa trang bị thêm 2 máy ép nhựa Haitian tiêu chuẩn EC châu Âu mới trị giá 20 triệu USD.

Qui Phúc từ một xưởng sản xuất đơn sơ đã sở hữu quy mô nhà máy với tổng diện tích hơn 70.000m2, vận hành thành công mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Trong bước nhảy vọt những thành tựu khoa học công nghệ 4.0, Qui Phúc cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử, xây dựng hệ thống Omnichannel thích nghi với xu hướng mua sắm thời đại kỹ thuật số.

Câu chuyện chuỗi giá trị toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố gây biến động thị trường là vấn đề doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải đối mặt, do đó, ông Lâm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết, trong giai đoạn biến đổi nhanh chóng không chỉ đại dịch COVID-19 mà còn nhiều vấn đề khác trên thị trường toàn cầu sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu được xem là chìa khóa để có thể vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh thành công trong thời gian tới. Vì vậy, không chỉ doanh nghiệp mà các quốc gia cần đáp ứng nhu cầu thị trường về năng lực cốt lõi và công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục