Tp Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp bán lẻ gặp khó trong ngày đầu giãn cách xã hội tăng cường

20:26' - 23/08/2021
BNEWS Trong ngày đầu Tp Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa cho khách hàng đặt mua online.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tạm dừng hoạt động từ 23/8 để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty VinCommerce cho biết, ngày 23/8, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ có mặt tại tất cả các quận/phường trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh đã tăng gấp 4 – 5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời điểm đầu tháng 8 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.

Ghi nhận sơ bộ, ngày 23/8 lượng khách đến mua sắm trực tiếp giảm mạnh do quy các quy định phòng dịch khắt khe được tăng cường. Trong khi đó, đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, VinMart/VinMart+ chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng do nhân viên của hệ thống không được phép đi giao hàng.

"Chúng tôi đã chủ động liên hệ trực tiếp làm việc với các phường/tổ dân phố để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến nhân dân. Bên cạnh đó, kết nối với chương trình “Đi chợ hộ” mà các phường/tổ dân phố... nhằm nắm bắt nhu cầu, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ 10% phường và tổ dân phố đã có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi" - bà Phương thông tin. 

Cũng theo bà Phương, hiện tại, Công ty đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công thương Tp Hồ Chí Minh để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng, phục vụ hàng hóa kịp thời đến nhân dân. 

Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân, lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp, đặc biệt với nhóm hàng tươi sống cần tiêu thụ trong ngày.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh khác... vẫn duy trì hoạt động và điều chỉnh khung giờ phù hợp với quy định mới của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh. 

Theo đó, hệ thống bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra), gồm: 3 siêu thị Satramart, hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hàng ngày, với giải pháp triển khai kinh doanh “3 tại chỗ”. Satra thực hiện đảm bảo việc vệ sinh siêu thị, cửa hàng, nhận và sơ chế thực phẩm tươi sống… 

Đồng thời, hệ thống bán lẻ này còn đang khẩn trương tập hợp thông tin nhân viên, phối hợp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh để có thể cung cấp giấy đi đường cho các nhân viên được giao nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian sớm nhất.

Theo đại diện Satra, hệ thống bán lẻ này cũng chủ động áp dụng phương thức bán hàng thiết yếu đặt trước hoặc chuẩn bị sẵn dưới dạng "combo" hay đơn hàng theo yêu cầu, nhằm giúp cho người dân yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

Đặc biệt, Satra kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức “đi chợ hộ” của Tổ COVID-19 cộng đồng.

Cụ thể, chuỗi cửa hàng tiện lợi Familymart tại một số địa bàn dân cư ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tạm ngưng kinh doanh. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh nhóm ngành hàng thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, nước giải khát, bánh và đa dạng hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Tương tự, hàng loạt điểm bán lẻ khác chuyên kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, có chuỗi cửa hàng phát triển sâu rộng vào nhiều địa bàn dân cư tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động bình thường trước 0 giờ, ngày 23/8/2021 thì hiện nay cũng tạm ngừng kinh doanh. 

Lý giải nguyên nhân đóng cửa, tạm dừng kinh doanh, một số đơn vị kinh doanh chia sẻ, người dân "ai ở đâu ở yên đó" cửa hàng hoạt động cũng không có khách hàng đến mua. 

Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh thiếu hụt nguồn nhân lực vì vướng nhiều quy định trong biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vừa mới áp dụng tại Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 23/8.

Đối với kênh bán hàng online, nhiều nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh cũng lúng túng, khi không thể nhận đơn hàng vì thiếu hụt đội ngũ vận chuyển, giao nhận đến người tiêu dùng. 

Với quy định "ai ở đâu ở yên đó", doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh... đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương, cũng như hoàn thành thủ tục cấp phép "giấy đi đường".

Trước đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành công văn số 2798/KH-UBND, ngày 22/8/2021, về kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn thành phố thực hiện biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ. 

UBND Tp. Hồ Chí Minh giao cho Sở Công Thương thành phố phối hợp UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện rà soát tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Các đơn vị liên quan thống kê cụ thể, cập nhật hệ thống các điểm bán của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn... để đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa cho người dân. 

Song song đó, kịp thời hỗ trợ địa phương tiếp cận nguồn cung hàng hóa, hướng dẫn giải pháp phân phối hàng hóa cho người dân phù hợp với tình hình thực tế.

Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh liên kết chặt chẽ với đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức, kịp thời điều phối việc tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân. 

Trong đó, báo cáo UBND Tp. Hồ Chí Minh ngay khi có khó khăn, vướng mắc trong kết nối nguồn cung, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu, thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai kế hoạch đồng bộ và chủ động cao nhất. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ các cấp, ngành cùng tham gia phân phối hàng hoá thiết yếu cho người dân. 

Trong đó, những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực, thực phẩm; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vẫn tiếp tục hoạt động, thực hiện thu mua, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh, thành về Tp. Hồ Chí Minh để tổ chức phân phối cho người dân.

Hiện mạng lưới phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Hệ thống cung ứng này, cần tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân Tp. Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục