Tp Hồ Chí Minh: Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

20:37' - 08/06/2022
BNEWS Một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai của doanh nghiệp bị chậm do vướng rất nhiều thủ tục. Trong đó, vướng về đất đai chủ yếu gắn với việc ban hành quyết định cho thuê đất.

Trong khuôn khổ "Ngày hội giải quyết thủ tục hành chính" tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/6, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và Công đoàn viên chức Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Tọa đàm “Trao đổi, giải đáp về thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tại khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh” với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

*Thủ tục hành chính nhiều, vướng mắc lâu năm

Phần lớn câu hỏi của các doanh nghiệp tại tọa đàm có nội dung xoay quanh về đất đai, quy hoạch, kiến trúc, môi trường và các vấn đề liên quan đến thuế, tình hình dịch bệnh, chính sách chăm lo cho người lao động.

 

Đặc biệt, các câu hỏi của doanh nghiệp đều liên quan đến công tác hành chính, trình tự thực hiện các thủ tục hồ sơ tại các cấp chính quyền, sở, ngành cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác phối hợp liên quan.

Ông Thái Thanh Hải, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Công nghệ cao Việt Nam – Japan cho biết, doanh nghiệp tiến hành thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý xin phép xây dựng từ năm 2018, tuy nhiên cho đến nay, trải qua nhiều bước hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, các trình tự hướng dẫn… vẫn chưa hoàn tất để tiến hành xây dựng.

Trải qua thời gian dài chờ đợi, gõ cửa nhiều nơi, doanh nghiệp cũng đã nhiều lần gặp gỡ làm việc và tiếp nhận văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý khu Công nghệ cao... nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Ông Hải băn khoăn doanh nghiệp cần phải làm gì, liên lạc với ai, làm như thế nào để hoàn tất các thủ tục như đã xin phép. “Dự án hơn 3 năm nay, từ dịch bệnh đến các chương trình phục hồi phát triển kinh tế, việc chậm trễ tiến độ xây dựng làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hải chia sẻ.

Đại diện Công ty chiếu sáng ở Khu công nghệ cao cũng cho biết, được cấp phép đầu tư năm 2010, trong giấy phép ghi rõ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng đến nay đã 12 năm, họ không được hưởng ưu đãi này.

Theo quyết định phê duyệt đồ án Khu công nghệ cao năm 2003 thì công ty nằm trong phân khu trung tâm quản lý điều hành thương mại dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật, chức năng trong phân khu thể hiện rõ dự án là toà nhà văn phòng cho thuê và các ngành dịch vụ công nghệ cao, nhưng khi công ty cho doanh nghiệp thuê thì lại gặp khó vì không được xác nhận là doanh nghiệp làm dịch vụ công nghệ cao…

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác cũng vướng mắc về thủ tục hành chính, luật phát, quy định, việc phân cấp trong quá trình giải quyết vụ việc khiến doanh nghiệp phải nhiều lần đi tới, đi lui… Có doanh nghiệp hỏi về quy hoạch 1/500 đã trình Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức được 17 tháng, thì được đại diện địa phương này trả lời do vướng chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.

Nhưng Ban quản lý Khu công nghệ cao xác nhận, doanh nghiệp đã đáp ứng được tiêu chí này và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành liên quan để giải quyết cho doanh nghiệp. Song cho đến nay, do vướng quy hoạch 1/500 nên doanh nghiệp chưa thể thực hiện dự án.

*Chung tay tháo gỡ khó khăn

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai của doanh nghiệp bị chậm do vướng rất nhiều thủ tục. Trong đó, vướng về đất đai chủ yếu gắn với việc ban hành quyết định cho thuê đất.

Cụ thể, liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chuyển giao từ Luật Đất đai năm 2003 đến Luật Đất đai 2013, Ban quản lý Khu công nghệ cao có thiếu sót là không ban hành quyết định cho thuê đất, trong khi đây là cơ sở pháp lý để giải quyết những thủ tục hành chính về sau.

Một điểm bất cập nữa là quy hoạch Khu công nghệ cao như một tiểu đô thị nhưng tư duy theo hướng công nghiệp, phân ra từng khu sản xuất, dịch vụ. Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở, ngành liên quan để thí điểm tháo gỡ khó khăn về vấn đề này.

Theo ông Thi, trong tư duy đô thị, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ công nghệ cao thì phải có những doanh nghiệp dân sinh để phục vụ dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ khác liên quan.

Ban quản lý đã có báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và tháo gỡ cho 24 trường hợp vướng mắc do thiếu quyết định cho thuê đất. Hiện qua rà soát còn 48 trường hợp đang gặp vướng mắc tương tự, Ban quản lý đã trình Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết.

“Ngay sau hội nghị này, Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp. Vấn đề nào chưa giải quyết sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố để có hướng giải quyết cho doanh nghiệp”, ông Thi cam kết.

Qua tọa đàm, trao đổi, trả lời ý kiến của các sở, ngành, nhiều doanh nghiệp hài lòng, nhưng có doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu. Trong đó, có những vướng mắc là do Luật, quy hoạch 1/500, có vướng mắc là do công tác phối hợp của các sở, ngành chưa tốt để có sự thống nhất trong việc giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Ban chỉ đạo cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Quản lý khu Công nghệ cao, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cần phải rà soát lại để chủ động hơn trong việc giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

“Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Thành phố sẽ chuyển đến các sở, ngành, cơ quan liên quan để có câu trả lời chính thức bằng văn bản. Những nội dung nào của ngành nào thì ngành đó trả lời; những nội dung nào cần phối hợp thì phải xác định trong thời gian bao lâu; những nội dung vướng mắc nào thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ làm văn bản kiến nghị Thành phố”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nhân khuyến nghị, qua những vụ việc kéo dài, trả lời chưa thấu đáo, hoặc cách giải quyết vụ việc liên quan đến thủ tục hành chính, các sở, ngành, cơ liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư được tốt hơn.

Các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, rút gọn hoặc chuyển giao đến các cơ quan đúng chức năng để việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được nhanh và hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nhanh chóng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ông Nhân cũng cho biết, Sở Nội vụ Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tọa đàm ở các địa bàn khác, dưới góc độ chung là cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022 của Thành phố: “ Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao, từ ngày 15/5 đến nay đã giải quyết 359 hồ sơ trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, số hồ sơ giải quyết trước hạn là 338 hồ sơ, đúng hạn 17 hồ sơ, trễ hạn 4 hồ sơ. Số hồ sơ trễ hạn chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư vì phải chờ xin ý kiến các bộ, ngành…

Để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết Bản ghi nhớ trong phối hợp về hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính “Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” và “Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Đồng thời cùng Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố ký kết Bản ghi nhớ ban hành Quy trình liên thông nhóm thủ tục “Cấp phiếu Lý lịch tư pháp”, “Cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục