Tp. Hồ Chí Minh: Đưa khu vực kinh tế tập thể tăng 7%/năm

15:12' - 18/05/2021
BNEWS Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tp.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tp.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố là 0,5% và thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã.

Đây là các mục tiêu trọng tâm mà UBND Tp. Hồ Chí Minh xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 vừa được ban hành.

Theo kế hoạch này, Tp. Hồ Chí Minh cũng xác định, xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%, còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp.

Cụ thể hóa các mục tiêu trên, UBND thành phố xác định khuyết khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cả về chất lượng, số lượng trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế; thu hút mọi giới, thành phần xã hội tham gia, nhất là thanh niên và phụ nữ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố khuyến kích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, thành phố sẽ tập trung duy trì, củng cố và phát triển hợp tác xã hiện có, hoạt động trong các ngành nghề như thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá…

Đối với các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, bốc xếp, dịch vụ môi trường, quỹ tín dụng nhân dân, thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu của của các hợp tác xã theo hướng tăng quy mô và giảm đầu mối; thúc đẩy mô hình liên hiệp hợp tác xã thương mại bán lẻ; thực hiện liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn các quỹ tín dụng nhân dân…

Để thực hiện các mục tiêu và định hướng trên, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hợp tác xã, gắn liền với viiệc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã.

Thành phố cũng nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã; huy động nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tănng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh.

Một số giải pháp cụ thể được UBND Tp. Hồ Chí Minh đề ra đó là,  thành phố đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã có quy mô lớn, doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động… nhằm phát huy tối đa mọi tiềm lực và năng lực của hợp tác xã, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển ổn định và bền vững.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu tiên hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn và được hưởng lãi suất tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các đối tượng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể về hỗ trợ ưu đãi giao đất, cho thuê đất đối với các hợp tác xã theo quy định Luật Hợp tác xã năm 2012 và Luật Đất đai.

Thành phố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thành phố cũng hỗ trợ vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại…

Cùng với việc, tăng nguồn vốn của Quỹ Trợ vốn thành viên hợp tác xã thành phố; trong đó, phấn đấu đến năm 2030, quỹ có nguồn vốn hoạt động đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng…, thành phố xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố như: rau, hoa, bò sữa, heo, cá cảnh, tôm nước lợ...

Qua đó, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục