Tp. Hồ Chí Minh hoàn thiện lưới điện thông minh

11:25' - 08/02/2023
BNEWS Ngày 8/2, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, hiện, Tổng công ty đã cơ bản hoàn tất quá trình tự động hoá toàn bộ lưới điện trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, trong lĩnh vực giám sát và điều khiển, hiện các trạm 110 kV truyền thống đã hoàn thành chuyển đổi sang mô hình trạm 110 kV không người trực vận hành.
 
Đồng thời, là một trong số ít đơn vị phân phối điện trên thế giới có lưới điện trung thế vận hành hoàn toàn tự động (có chức năng tự động phát hiện sự cố, cô lập và tái lập điện trong vòng 1 phút cho các khu vực không bị ảnh hưởng).
EVN HCMC là đơn vị phân phối điện đầu tiên của EVN đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển và Trung tâm điều khiển dự phòng theo chuẩn mực quốc tế.
Trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, Tổng công ty đã số hoá hoàn toàn 2 dữ liệu quan trọng là quản lý kỹ thuật và kinh doanh - dịch vụ khách hàng; đã lắp đặt 100% công tơ điện tử có chức năng thông minh đo đếm từ xa cho tất cả hơn 2,6 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn Thành phố.
Qua đó, EVN HCMC đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành điện Thành phố với quy mô lớn và đầy đủ, đưa vào sử dụng hàng loạt các ứng dụng như tự động hoá, quản lý mất điện, quản lý tổn thất điện năng, tổng đài, ứng dụng chăm sóc khách hàng; triển khai các ứng dụng chuyên sâu như quản lý mất điện, quản lý tổn thất điện năng theo thời gian thực, cung cấp 100% dịch vụ khách hàng trực tuyến (đạt cấp độ 4 dịch vụ hành chính công); cung cấp thông tin về điện năng tiêu thụ ngày cho khách hàng, giúp khách hàng chủ động điều chỉnh việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các bài toán phân tích dữ liệu phục vụ quy hoạch lưới điện, sửa chữa bảo dưỡng theo hướng hiện đại.
Trong lĩnh vực độ tin cậy cung cấp điện, Tổng công ty đã ứng dụng đồng bộ các công nghệ như tự động hoá, sửa chữa điện nóng, sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng “sức khoẻ” vật tư thiết bị… giúp ngày càng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm mất điện một cách bền vững trên địa bàn Thành phố.
Số lần mất điện bình quân của khách hàng (SAIFI) giảm từ 25,04 lần (năm 2011) xuống còn 0,47 lần (năm 2022); thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI) giảm từ 3.433 phút (năm 2011) xuống còn 35 phút (năm 2022).

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVN HCMC, lưới điện thông minh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài 3 lĩnh vực trên, lưới điện thông minh còn được đánh giá trên 4 cấu phần là: tích hợp nguồn phân tán, năng lượng xanh, an ninh bảo mật, sự hài lòng của khách hàng.

Căn cứ vào dữ liện trên 7 nhóm cấu phần, năm 2022, SP Group - Công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore, đã đánh giá EVN HCMC xếp hạng 47/94 Công ty điện lực trên thế giới trong việc xây dựng lưới điện thông minh.
Bảng xếp hạng lưới điện thông minh rất uy tín trên thế giới, với sự tham gia của các Công ty điện lực lớn như: Western Power - Úc, Duke Energy – Mỹ, Toronto Hydro – Canada,...và số lượng các công ty tham gia tăng dần theo từng năm.
"Với người dân Thành phố, lưới điện thông minh mang lại rất nhiều tiện ích, dễ thấy nhất là thời gian mất điện bình quân năm 2022 chỉ còn 35 phút/người/năm và sẽ phấn đấu xuống còn 20 phút/người/năm trong năm 2023", ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, trong các giai đoạn phát triển sắp tới, dự báo nhu cầu điện tiêu thụ tiếp tục tăng để đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, hoàn thiện lưới điện thông minh đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả cũng như thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch.


Theo EVN HCMC, sản lượng điện thương phẩm năm 2022 của Thành phố đạt 27 tỷ kWh, chiếm khoảng 11,1% sản lượng tiêu thụ điện của cả nước (242,3 tỷ kWh), công suất đỉnh đạt 4.529MW, cũng chiếm xấp xỉ 10% công suất đỉnh của cả nước (45.528MW), sản lượng ngày cao nhất đạt 92,1 triệu kWh; trong đó, thành phần phục vụ quản lý, tiêu dùng dân cư chiếm 44,9%; thành phần điện phục vụ công nghiệp, xây dựng chiếm 34,79%; còn lại là các thành phần thương nghiệp, khách sạn, nông lâm, thủy, hải sản…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục