TP Hồ Chí Minh "hút" chuyên gia, nhà khoa học vào 4 ngành mũi nhọn

17:23' - 05/03/2018
BNEWS TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018-2022.
TP Hồ Chí Minh "hút" chuyên gia, nhà khoa học vào 4 ngành mũi nhọn. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 5/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố giai đoạn 2018-2022.

Đây là một trong những đề án nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề án nhằm thu hút lực lượng chuyên gia khoa học, đội ngũ lao động sáng tạo trẻ đã được đào tạo, rèn luyện trong môi trường ngoài khu vực công để bổ sung, tăng cường cho cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, quản lý Nhà nước về các điểm nóng, vấn đề bức xúc của xã hội.

Thành phố kỳ vọng, đề án này sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tạo bước đột phá trong công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đề án được triển khai, áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh (không tính các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, cơ quan, đơn vị ngành dọc và lực lượng vũ trang).

Đề án ưu tiên thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động sáng tạo trẻ trong lĩnh vực trọng điểm của thành phố gồm: 4 ngành công nghiệp mũi nhọn; các ngành công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ; 9 ngành dịch vụ chủ yếu; nông nghiệp đô thị hiện đại.

Đề án đưa ra nhiều chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ đến công tác, cống hiến cho thành phố. Cụ thể, thành phố trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu của đề án.

Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc đối tượng được hưởng mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng sẽ được hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,4); đối tượng được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng sẽ hưởng lương bậc 1 (hệ số 8,8)… Các chuyên gia, nhà khoa học được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo thì được hưởng mức lương cao hơn một bậc so với mức lương được hưởng của hợp đồng đầu tiên.

Ngoài chính sách về tiền lương, thành phố còn có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Theo đó, thành phố sẽ phụ cấp hỗ trợ cho chuyên gia, nhà khoa học 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho công trình nghiên cứu từ cấp thành phố và tương đương trở lên được đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản. Tổng mức phụ cấp hỗ trợ khuyến khích là từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng một người với mỗi công trình nghiên cứu.

Trường hợp có nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia tổ nghiên cứu, soạn thảo, xây dựng công trình nghiên cứu thì tổng số tiền phụ cấp khuyến khích cho tổ chuyên gia là 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho công trình nghiên cứu đó. Mức phụ cấp không dưới 30 triệu đồng một người/công trình nghiên cứu và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia không vượt quá 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, xem xét bố trí nhà công vụ nếu có nhu cầu hoặc hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (không vượt quá 7 triệu đồng mỗi tháng). Các chuyên gia, nhà khoa học còn được hỗ trợ 50% số tiền phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập phát sinh theo chính sách thu hút, đãi ngộ của đề án này.

Đề án cũng quy định chi tiết công tác tổ chức tuyển chọn với các bước, trình tự thủ tục cụ thể, tuy nhiên phản biện về nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định như vậy khiến quyền quyết định của đơn vị tiếp nhận không rõ nét, cần tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị tự quyết định về tiêu chuẩn.

Đề án chỉ nên xây dựng khung về tiêu chí, quy trình thẩm định, giao trách nhiệm cho đơn vị có nhu cầu tuyển chọn để phù hợp với tiêu chí, yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí công việc chứ không nên lập Hội đồng tuyển từ cấp thành phố để tuyển cho cơ sở. Từ đó, vừa tăng tính chủ động cho đơn vị vừa tăng trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, những ưu đãi về vật chất không phải là yếu tố quyết định trong việc thu hút được chuyên gia, nhà khoa học mà quan trọng là cần xây dựng được môi trường làm việc tốt, khâu tuyển dụng minh bạch, rõ ràng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đề án nên làm rõ vấn đề xây dựng môi trường làm việc cho các chuyên gia, nhà khoa học được tự do cống hiến, hạn chế sự gò bó bởi những khuôn khổ cứng nhắc.

Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn bày tỏ bên cạnh các chế độ đãi ngộ cần có cơ chế phát hiện, giới thiệu chuyên gia đến tham gia cùng thành phố trong các chương trình, đề án./.

Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tham gia chỉnh trang, phát triển đô thị Tp. Hồ Chí Minh
Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tham gia chỉnh trang, phát triển đô thị Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục