Tp. Hồ Chí Minh khởi động sớm thị trường hàng Tết

16:02' - 02/11/2022
BNEWS Bước sang tháng 11, thị trường hàng Tết tại Tp. Hồ Chí Minh đã bắt đầu khởi động với nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Cùng với đó, doanh nghiệp ở một số ngành hàng cũng công bố kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến người tiêu dùng, cùng với chương trình ưu đãi cho khách hàng.

Cụ thể, Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) công bố đã chuẩn bị đầy đủ nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng ngân sách hơn 710 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Trong đó, Vissan xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ; 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cho biết, để đảm bảo ổn định cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ tháng 6/2022, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu sản xuất, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết.

 

Cùng với sự chuẩn bị nguồn hàng Tết, Công ty Vissan luôn cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết; cũng như thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5% đến 10% tại các điểm bán sản phẩm của công ty.

Còn bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ, doanh nghiệp sẽ tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đồng thời, là doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, nên phải chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá bán ổn định trên thị trường thành phố.

Ở góc độ nhà bán lẻ, đại diện trung tâm MM Mega Market tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến tăng 20-30% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và tăng từ 40-50% so với ngày bình thường.

Đặc biệt, những mặt hàng dự báo có sức mua tăng mạnh trong Tết sẽ được tăng nguồn cung như mặt hàng tươi sống, bánh kẹo; sản phẩm tốt cho sức khỏe...

Ghi nhận thực tế trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh, tại nhiều hệ thống bán lẻ như Satra, Saigon Co.op, AEON... cả doanh nghiệp và nhà bán lẻ đều khởi động kế hoạch đưa hàng Tết lên kệ và tiếp thị đến người tiêu dùng. Trong đó, các đơn vị này cũng tái cơ cấu lại nhóm ngành hàng, ưu tiên giới thiệu sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Lý giải nguyên nhân khởi động thị trường hàng Tết sớm, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận Tết Dương lịch 2023 dẫn đến thời gian mua sắm Tết của người dân bị rút ngắn lại nên dự báo có nhiều người dân có nhu cầu mua sắm Tết sớm hơn.

Bên cạnh đó, hiện tại thị trường giá cả một số mặt hàng biến động, trong đó có giá nguyên liệu đầu vào nên việc chuẩn bị và triển khai kế hoạch hàng Tết sớm sẽ giúp đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động nguồn cung và đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, giúp khách hàng chọn mua sản phẩm trong điều kiện tiện lợi và nhanh chóng, đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh mở song song kênh bán hàng trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ cũng tăng cường hợp tác và mở rộng hoạt kinh doanh trên đa dạng nền tảng thương mại điện tử liên kết như SendoFarm, Foody, Grab, Loship, TikiNgon, Pinnow…

Mặt khác, lần lượt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bán lẻ... trên địa bàn Tp. Hồ chí Minh đã gửi danh mục hàng hóa bình ổn thị trường về Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh với cam kết tăng cung, giữ ổn định giá, nhất là đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt cao điểm cuối năm

Về phía ngành Công Thương, đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, sở sẽ phối hợp cùng hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện phong phú hoạt động kích cầu mua sắm cuối năm, gồm: Chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm trên địa bàn thành phố năm 2022 (đợt 2) với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân”; Hội Nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2022; Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2022...

Riêng đối với công tác khảo sát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp với chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn và nhiều địa phương khác đảm bảo giải pháp bình ổn thị trường.

Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố sẽ bám sát chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Thống kê cho thấy sẽ có hơn 40.000 tấn hàng hóa được cộng đồng doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Tp. Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Cùng với đó, doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cung ứng từ 25%-43% nhu cầu thị trường, với dự báo sức mua trên thị trường Tết năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao, từ đầu quý IV/2022 cho đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng nguồn cung hàng hóa cung ứng ra thị trường. Điển hình, mặt hàng đường đạt 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn…

Báo cáo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2022 trên địa bàn thành phố đạt 94.933 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 78,7% so với cùng kỳ. Tính 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ, tăng cao ở tất cả các ngành.

Trong tháng 10/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức tăng nhẹ (+1,4) thể hiện nhu cầu hàng hóa và giá cả không có nhiều biến động. Tuy nhiên, doanh thu các dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch lữ hành tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 9/2022 đến nay, do kỳ nghỉ hè đã hết và thời tiết đã chuyển sang mùa mưa bão./.

>>>Người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn phục vụ Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục