Tp. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng

20:43' - 27/06/2024
BNEWS Theo công an Tp. Hồ Chí Minh, tội phạm lừa đảo qua mạng mang tính quốc tế cao, luôn chuẩn bị sẳn phương án xóa dấu vết, luôn thay đổi thủ đoạn tiếp cận, chiêu thức lấy lòng tin để lừa đảo nạn nhân.
Tại cuộc họp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố phối hợp tổ chức, chiều 27/6, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm đối với các loại phương tiện tự chế trên địa bàn, việc ra mắt ứng dụng cảnh báo các chiêu thức lừa đảo cũng như giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết để người dân tránh bị lừa đảo qua mạng.

 
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, triển khai thực hiện quyết định của UBND Thành phố ban hành về việc cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần cải thiện tình hình giao thông trong khu vực. Trong đó, việc cấm lưu thông tuyệt đối các loại phương tiện này ở khu vực trung tâm Thành phố đã mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, loại phương tiện xe tự chế ba, bốn bánh, xe máy chở hàng cồng kềnh có giá thành lắp ráp tương đối rẻ, dễ lắp ráp, khu vực hoạt động ở các chợ, đường hẻm nhỏ, hoạt động nhanh thu lợi nhuận nên sau khi lực lượng chức năng xử lý, tịch thu phương tiện, người dân vẫn tiếp tục mua phương tiện mới và hoạt động.

Việc xử lý vi phạm đối với các loại phương tiện tự chế tiếp tục được lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm xử lý nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa giao thông của người Thành phố.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 8.500 trường hợp theo chuyên đề xử lý xe mù mờ tự chế, xe thô sơ, xe ba, bốn bánh; trong đó có 1.621 trường hợp phương tiện không có đăng ký xe, 12 trường hợp gắn biển số giả, 5.997 trường hợp chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ giới hạn, 340 trường hợp xe không thắng, kèn, đèn, bộ phận giảm thanh không đúng quy định. Riêng xe ba, bốn bánh đã phát hiện, xử lý 643 trường hợp vi phạm.

Song song việc xử lý vi phạm, Công an Thành phố đã tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để nắm chặt các cơ sở độ, chế xe tự chế, xe thô sơ, xe ba, bốn bánh. Cơ bản trong 7 ngày ra quân gần đây nhất đã phát hiện 3 cơ sở “độ, chế” xe và có nhiều phương tiện không rõ nguồn gốc cũng như việc phòng, cháy, chữa cháy không đảm bảo, hoạt động ngoài nội dung phạm vi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Công an Thành phố đang tiếp tục truy xét, làm rõ, mở rộng, xử lý những đơn vị vi phạm. Xuyên suốt quá trình thực hiện, Công an Thành phố sẽ phối hợp UBND cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức để vận động người dân, chủ cơ sở cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không tự chế xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; đồng thời, phối hợp để thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cơ sở sửa chữa, độ chế xe.

Về tội phạm lừa đảo qua mạng, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, tội phạm lừa đảo qua mạng thường hoạt động có tổ chức, có tính ẩn danh; tội phạm mang tính quốc tế cao, luôn chuẩn bị sẳn phương án để xóa dấu vết với thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi thủ đoạn tiếp cận, chiêu thức lấy lòng tin để lừa đảo nạn nhân. Vì vậy, việc thông tin tuyên truyền, cảnh báo kịp thời là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Ban Giám đốc Công an Thành phố đã có chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nhanh, thường xuyên nhất, rộng rãi nhất  đến mọi người dân, nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phá các vụ án về tội phạm lừa đảo qua mạng. Tiêu biểu là dự án cấp căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ của Công an Thành phố. Toàn lực lượng đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, ngân hàng nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân; phòng, chống rửa tiền, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố cũng giao trách nhiệm và chế tài thi đua đối với lực lượng công an cơ sở về công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, nắm và giải quyết tình hình vụ việc ngay tại cơ sở; củng cố, tăng cường lực lượng, phương tiện và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, thể hiện rõ nhất là thành lập Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao ở công an các địa phương.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường trao đổi kinh nghiệm và ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các nước mà tội phạm lừa đảo qua mạng tại Việt Nam đóng trụ sở và ẩn náu; tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác công an để điều tra xử lý các vụ án.

Đặc biệt, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin sắp tới sẽ ra mắt ứng dụng cảnh báo các chiêu thức lừa đảo và hướng dẫn cách nhận biết để người dân tránh bị lừa đảo. Hiện Ban Giám đốc Công an Thành phố đã giao phòng nghiệp vụ khẩn trương tham mưu và triển khai thực hiện để sớm ra mắt ứng dụng, ngay khi hoàn thiện và chuẩn bị ra mắt Công an Thành phố sẽ thông tin có thông tin chính thức đến với người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục