Tp. Hồ Chí Minh lấy ý kiến cho kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư

15:29' - 19/03/2021
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, tham mưu đề xuất UBND Thành phố ban hành trước 31/3.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động Tổ công tác đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021 do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/3, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, tham mưu đề xuất UBND Thành phố ban hành trước ngày 31/3/2021.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư năm 2021 một số nội dung; trong đó, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của UBND Thành phố.

Khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, các cơ quan đơn vị thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung; đồng thời, nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.

Trên 80% các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn từ 96% và trên 60% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở ban ngành không phải chờ đợi văn bản phản hồi của cơ quan Trung ương mà phải ra làm việc trực tiếp với các bộ, ngành cho ý kiến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về Tổ công tác đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong (Tổ trưởng Tổ Công tác đầu tư) cho biết, đây là mô hình đầu tiên của cả nước, thành lập để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn Thành phố. Đây còn là quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền Thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Thời gian qua, Tổ công tác đầu tư (gồm 14 thành viên; trong đó, có tất cả các Phó Chủ tịch UBND Thành phố và lãnh đạo một số sở ngành) đã giúp khơi thông các nguồn vốn đang bị “tắc nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố với 110 dự án đã được kết luận; trong đó, có 35 dự án đã cơ bản thực hiện xong các nội dung kết luận, tháo gỡ khó khăn và đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng.

Tổ công tác đầu tư đã từng bước giải quyết những vấn đề tồn tại đối với một số dự án trọng điểm kéo dài từ nhiều năm qua, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu.

Ngoài ra Tổ công tác đầu tư đã xem xét, kết luận, tháo gỡ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như thực hiện chủ đề năm 2021 của Tp. Hồ Chí Minh là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, Thành phố tập trung 10 nhóm giải pháp.

Đơn cử, thành phố sẽ xây dựng và công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; ban hành cơ chế phối hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng…

Bên cạnh đó, UBND Thành phố sẽ trình HĐND Thành phố kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; công khai các đồ án và quy định quản lý quy hoạch đô thị; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh trước tác động của dịch COVID-19.

Tại hội nghị, bà Mary Tanowka, Giám đốc điều hành AMCHAM bày tỏ ấn tượng đối với Chính phủ Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng trong việc phòng chống dịch COVID-19, qua đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam đầu tư.

Bà Mary Tanowka kiến nghị Thành phố xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư công bằng thuận lợi; trong đó, có chính sách về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Đồng thời, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Thành phố Thủ Đức cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và minh bạch trong kế hoạch sử dụng đất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị cần nâng cao vai trò giám sát, theo dõi tiến trình xử lý các kết luận giải quyết của Tổ Công tác đầu tư cho Văn phòng UBND Thành phố.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn lãnh đạo Thành phố có ý kiến cùng Bộ ngành chức năng để sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, kể cả các văn bản hướng dẫn thi hành luật từ đó xây dựng các quy trình áp dụng, triển khai thống nhất, có hiệu quả.

Ngoài ra, ông Đặng Hồng Anh còn đề xuất Thành phố hình thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam với hơn 4.000 hội viên sẽ xung phong làm đề án, tập hợp doanh nghiệp tham gia./.

.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục