Tp. Hồ Chí Minh nghiên cứu đổi số nhà theo mã thông minh

14:47' - 29/03/2017
BNEWS Thay vì cách truyền thống, nhà bên phải đường đánh số chẵn, nhà bên trái đánh số lẻ thì cách đánh số mới sẽ căn cứ theo hướng tính từ mép đường đi về phía trước nhà.
Tp. Hồ Chí Minh nghiên cứu đổi số nhà theo mã thông minh. Ảnh:hochiminhland

Để tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị, đồng thời đảm bảo quyền lợi, không gây xáo trộn đời sống người dân, Sở Xây dựng đang lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong việc áp dụng mô hình mã số nhà thông minh.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đã chia sẻ như trên tại Hội nghị về công tác đánh số và gắn biển số nhà tổ chức ngày 29/3.

Thay vì cách truyền thống, nhà bên phải đường đánh số chẵn, nhà bên trái đánh số lẻ thì cách đánh số mới sẽ căn cứ theo hướng tính từ mép đường đi về phía trước nhà. Đơn cử như nhà cách mép đường 40 m sẽ được đánh số nhà 40.

Cách làm này sẽ tránh được tình trạng trừ số nhà xen giữa do các công trình chưa được xây dựng và không có tình trạng trùng số nhà trên cùng một tuyến đường.

Việc cấp mới và điều chỉnh số nhà phải đảm bảo tính ổn định cho người dân; trong đó, khu vực nội đô giữ nguyên số nhà hiện hữu, nhà có số cũ sẽ không phải đổi mà sẽ có thêm ký tự mới.

Đánh và gắn số nhà mới chỉ tiến hành tại các khu đô thị mới, khu dân cư, chung cư mới và các tuyến đường lộn xộn về số nhà - ông Hùng phân tích.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở - Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/4/1998 UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1958 về cấp và chỉnh sửa số nhà.

Toàn thành phố có khoảng 1,5 triệu căn nhà. Qua khảo sát, lập sơ đồ hiện trạng tại nhiều phường thí điểm của 17 quận, số căn nhà đã được cấp và chỉnh sửa số đạt 1,08 triệu căn.

Tuy nhiên quá trình thực hiện, Quyết định 1958 đã không còn phù hợp; mặt khác Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định 05/2006 ngày 8/3/2006 về ban hành quy chế đánh và gắn biển số nhà.

Trên cơ sở đó, ngày 31/5/2012 UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 22/2012/QĐ-UBND về ban hành quy chế đánh và gắn biển số nhà nhằm thống nhất các nguyên tắc, quy định; thể hiện tính khoa học trong việc đánh, gắn và quản lý về số nhà, góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia giao dịch về hành chính, dân sự và các giao dịch khác.

Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2016, thành phố đã tiến hành cấp mới và điều chỉnh cho 142.590 số nhà.

Tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng trùng tên đường. Nhiều tuyến đường chưa được đặt tên, số nhà lộn xộn, số nhà mặt đường lại mang số hẻm và ngược lại; trật tự số nhà chẵn – lẻ không thống nhất, nhà ở đường này lại mang địa chỉ ở đường khác...

Thậm chí, có nơi số nhà "siêu dài" như tại huyện Nhà Bè có địa chỉ số nhà 1806/127/2/6/15/48/5 Huỳnh Tấn Phát, Thị trấn Nhà Bè. Cùng với đó, Quyết định 22 của UBND thành phố và quyết định 05 của Bộ Xây dựng còn có sự khác biệt về cách hiểu.

Bộ Xây dựng cho phép đánh số thứ tự chung cư tại tầng trệt làm tầng 1 nhưng theo quyết định của UBND thành phố nói riêng và cách dùng ngôn ngữ của miền Nam nói chung thì “tầng trệt” được hiểu là “tầng số 0”.

Như vậy đưa đến 2 cách đánh thứ tự “0” và “1” đối với tầng trệt, chưa kể nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc bán căn hộ tầng 4 và tầng 13 do tâm ký khách hàng không muốn sử dụng căn hộ liên quan đến hai chữ số theo tâm linh là kém may mắn này – ông Hải cho biết thêm.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Đinh Tiến Sơn, Công ty Vietbando Copyright cho rằng, việc cấp số nhà mới như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng nhà mới chèn thêm giữa 2 nhà đã tồn tại, khó định vị tìm địa chỉ dẫn đến hạn chế lưu thông, ảnh hưởng đến công tác cứu hoả, cứu thương, an ninh trật tự xã hội.

Ông Sơn đề xuất phương pháp cấp số nhà mới theo hướng dùng khoảng cách tính từ đầu mỗi con đường đến mép mỗi nhà, số nhà mới bên phải đánh số chẵn còn số nhà mới bên trái đánh số lẻ. Đây cũng là tiêu chí để đánh số nhà trên hẻm chính, hẻm phụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục