Tp. Hồ Chí Minh sẵn sàng phương án khẩn cấp đảm bảo cung - cầu hàng hóa

17:03' - 25/03/2020
BNEWS Để chủ động đảm bảo cung – cầu hàng hóa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong những tình huống diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, nhằm chủ động đảm bảo cung – cầu hàng hóa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong những tình huống diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục bám sát thị trường và xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Đồng thời, ngành công thương cũng tăng cường các giải pháp đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố trên cơ sở dự báo thị trường.
*Chủ động phối hợp liên ngành
Theo báo cáo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, ngành công thương đã và đang phối hợp với sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và UBND quận - huyện trên địa bàn đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả nhóm mặt hàng thiết yếu, kể cả khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên cả nước nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Cùng với Sở Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo triển khai đầy đủ, nghiêm túc giải pháp bình ổn thị trường, chủ động dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ và cung ứng hàng hóa.
Dự báo nếu tình hình thị trường diễn biến theo xu hướng người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, nhất là vào dịp cuối tuần. Hay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phòng chống dịch bênh COVID-19… gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, ngành công thương thành phố sẽ điều phối đơn vị sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ và liên tục.
Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ phải thực hiện chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt từ 30 - 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Mặt khác, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Còn đối với tình huống thói quen mua sắm của người dân dịch chuyển dần sang kênh phân phối thương mại điện tử, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh có phương án lưu chuyển hàng hóa phù hợp, đưa hàng hóa kịp thời, không gián đoạn đến tất cả điểm bán hàng, xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực bị cách ly. Đặc biệt, ngành công thương thúc đẩy và phát huy kênh phân phối thương mại điện tử; tăng cường dự báo nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ hệ thống phân phối hiện đại làm việc với nhà cung ứng...
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, dự báo giai đoạn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng, Sở Công Thương thành phố sẽ triển khai ngay những giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện giải pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và phục vụ phòng chống dịch.
"Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối khẩu trang trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nhiều loại khẩu trang, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong phòng chống dịch bệnh; trong đó, hệ thống Siêu thị Coop Mart, Siêu thị Vinmart, Lotte Mart, Satra, Big C… đã và đang cung ứng đa dạng loại khẩu trang vải kháng khuẩn đến người dân trên địa bàn thành phố", bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết thêm.
*Đẩy lùi tin đồn thất thiệt
Trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng đưa ra phương án tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; bên cạnh đó, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, nhất là những nhóm hàng thiết yếu, không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu.
Đại diện Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, với diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, dự báo có thể dẫn đến tình trạng người dân tiếp tục hoang mang, tăng cường thu gom tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phòng chống dịch, dẫn đến sức mua tăng đột biến, thiếu hụt hàng hóa, gây sốt hàng...

Do đó, lực lượng quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết của tiểu thương.
Còn đại diện một số sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, sẽ không để những đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi. Tp. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phối hợp liên ngành; trong đó, có sự tham gia của hệ thống phân phối, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh về phương án giới hạn số lượng hàng bán ra đối với mỗi khách hàng cá nhân, không để thu gom, tích trữ tại các điểm bán hàng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, hệ thống bán lẻ này đã chuẩn bị lượng hàng lớn để đảm bảo cung ứng ra thị trường, đồng thời khởi động chương trình hỗ trợ người tiêu dùng mùa dịch bằng chương trình giảm giá mạnh các mặt hàng được xem là nhạy cảm hiện nay.

Theo đó, hơn 800 siêu thị, cửa hàng trên cả nước của Saigon Co.op đang áp dụng giảm giá, khuyến mãi cho hơn 10.000 sản phẩm, chủ yếu là thực phẩm, sữa, nhu yếu phẩm và các loại gia vị thông dụng.
"Thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Saigon Co.op đã chốt xong phương án tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng khi có nhu cầu dự trữ thực phẩm cả tuần thay vì 2-3 ngày như trước đây.

Các mặt hàng gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, hàng đông lạnh... đều được tăng trữ lượng lên từ 2 -3 lần như kế hoạch Tết Nguyên đán vừa qua, để vừa đảm bảo sẵn sàng lượng cung lớn, vừa đảm bảo giá tốt, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng", ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân phường, xã, Ban quản lý khu phố, ấp, Ban quản lý chợ truyền thống... đã triển khai hướng dẫn người dân, tiểu thương đến địa điểm bán lẻ gần nhất của hệ thống phân phối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như hệ thống siêu thị Coop Mart, Vinmart, Lotte Mart, Siêu thị Satra, Big C, Aeon… để mua các loại khẩu trang vải kháng khuẩn giá cả hợp lý; qua đó, đảm bảo người dân tiếp cận được nguồn cung và mặt hàng khẩu trang chất lượng, góp phần thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục