Tp. Hồ Chí Minh thu được khoảng 2.700 tỷ đồng từ phí hạ tầng cảng biển

14:55' - 20/06/2023
BNEWS Tính từ ngày 1/4/2022 đến ngày 31/5/2023, tổng số phí hạ tầng cảng biển Tp. Hồ Chí Minh đã thu được 2.665 tỷ đồng. Kinh phí này đã được dùng để đầu tư các dự án kết nối vào cảng biển.

Sau hơn một năm triển khai, Tp. Hồ Chí Minh đã thu được khoảng 2.700 tỷ đồng từ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Tp. phố Hồ Minh (phí hạ tầng cảng biển) đã và đang được đầu tư cho một số công trình giao thông trọng điểm.

 

Theo đó, tính từ ngày 1/4/2022 đến 31/5/2023, tổng số phí hạ tầng cảng biển Tp. Hồ Chí Minh đã thu được khoảng 2.665 tỷ đồng, hoàn toàn qua hệ thống tự động. Kinh phí này đã được dùng để đầu tư các dự án kết nối vào cảng biển.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu trên được nộp vào ngân sách, từ đó bố trí riêng để làm các công trình hạ tầng kết nối cảng biển. 

Số tiền thu được tuy chỉ mới đóng góp một phần nhỏ nhưng đã thể hiện được vai trò của việc thu phí, tăng thêm ngân sách cho đầu tư hạ tầng. Một số công trình được đầu tư từ nguồn thu như nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú, sắp tới là Vành đai 2.

Cụ thể, dự án nút giao thông Mỹ Thủy tổng vốn 3.622 tỷ đồng đang được triển khai giai đoạn 2. Toàn bộ nút giao thông Mỹ Thủy sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác dịp 30/4/2025, giúp giảm kẹt xe, giảm tai nạn giao thông, tăng khả năng chuyên chở ở khu vực cảng Cát Lái.

Dự án nút giao thông An Phú tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2022, mục tiêu hoàn thành vào dịp 30/4/2025. Nút giao góp phần nâng cao năng lực thông hành, giải quyết ùn tắc giao thông; tăng cường khả năng vận tải hàng hóa, tăng cường khả năng kết nối vùng với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; đặc biệt khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khai thác giai đoạn một vào năm 2025.

Trong khi đó, dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội dài 3,5 km, tổng mức đầu tư gần 9.800 tỷ đồng cũng sẽ được bố trí vốn từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển. Dự án này đã được Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND Tp. Hồ Chí Minh trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư sắp tới. 

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 cả nước. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng ở Tp. Hồ Chí Minh và làm tăng chi phí logistics.

Theo ông Trần Quang Lâm, sắp tới, khi tình hình giao thông tốt lên, thời gian chở hàng rút ngắn, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi nhiều hơn. Bây giờ, doanh nghiệp bỏ ra một đồng nhưng vài năm sau sẽ thu về được nhiều hơn, nên xét về dài hạn là giúp các doanh nghiệp giảm chi phí logistics.

Theo Nghị quyết của HĐND Tp. Hồ Chí Minh, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ bổ sung cho ngân sách thành phố để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025 gồm: mở rộng đường Nguyễn Thị Định; nút giao Mỹ Thủy; khép kín Vành đai 2; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP); đầu tư nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, tuyến đường thủy nội địa; đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục