Tp. Hồ Chí Minh tín dụng tăng trưởng ấn tượng trong quý 1

15:01' - 30/03/2022
BNEWS Trong 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn dự ước tăng 3,65% so với thời điểm cuối năm 2021 và tăng 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế.

Trong quý 1/2022, đại dịch COVID-19 và những hệ lụy xung quanh căng thẳng Nga – Ukraine đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

 

Trong bối cảnh đó, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố vẫn giữ ổn định, dòng tín dụng ngân hàng kịp thời chảy vào nền kinh tế với mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, cùng với việc mở cửa nền kinh tế, hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng trở lại tích cực và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn dự ước tăng 3,65% so với thời điểm cuối năm 2021 và tăng 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế.
Đáng chú ý, một số ngành lĩnh vực sản xuất như công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh việc ưu tiên dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng thành phố cũng tập trung thực hiện hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn duy trì, ổn định và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.
Đến nay, tổng giá trị hỗ trợ cho doanh nghiệp đạt 3,2 triệu tỷ đồng, với 1.851.864 khách hàng được hỗ trợ. Qua đó đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay; giảm chi phí vay… để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.
Ngoài ra, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND Thành phố cũng được ngành ngân hàng thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt nhằm tập trung vốn và tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng và phát triển, tạo động lực tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, dư nợ cho vay của các chương trình tín dụng chính sách (được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố) đạt 7.186 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 57,3% trong tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
"Với những kết quả trên, không chỉ đảm bảo cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng và phát triển bền vững mà còn tạo điều kiện hết sức có ý nghĩa trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ và thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế thành phố nói riêng theo kế hoạch đã đề ra", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Thực tế tại các ngân hàng thương mại, hoạt động cấp tín dụng diễn ra khá sôi động trong quý 1/2022. Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) cho biết, trong quý 1, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ước đạt gần 6%, sử dụng gần hết room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho Sacombank vào đầu năm (Sacombank được cấp tín dụng ban đầu 7%).
Đây cũng là lí do mà ngân hàng này vừa có văn bản yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.
Thay vào đó, "Sacombank sẽ ưu tiên tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất. Trong số đó, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic… Điều này đảm bảo mục tiêu hoạt động của ngân hàng và định hướng của Ngân hàng Nhà nước", ông Tuệ cho biết.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, trong quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng dự kiến sẽ khá cao, tương đương với mức trước đại dịch quý 1/2019.

Do khu vực ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế, nên định hướng tăng trưởng tín dụng cao trong trung hạn sẽ cần được thực hiện. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự kiến sẽ vượt 13%.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng dự báo, trong quý 1/2022, tín dụng tăng trưởng mạnh từ 15 -16% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia SSI, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn 1/2021 bao gồm CTG, BID, MBB, HDB và TPB.
"Hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng này sẽ duy trì ở mức tương đối cao", báo cáo ngành ngân hàng mới phát hành gần đây của SSI nhận định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục