TP Hồ Chí Minh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%

18:32' - 16/05/2024
BNEWS Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt trên 366 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Ngày 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị làm việc với UBND Thành phố về tình hình kinh tế-xã hội Thành phố 4 tháng đầu năm và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, ban hành ngày 24/6/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 57/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo, 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt trên 366 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 18,06 tỷ USD, tăng 6,57%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tăng 5,1%; thành lập mới 15.874 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký mới hơn 128 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% về số lượng; tổng thu ngân sách đạt trên 183 nghìn tỷ đồng, tăng 7,49%. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế được chú trọng và triển khai hiệu quả; hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, đa dạng; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua kết quả triển khai Nghị quyết này, UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ đôn đốc các Bộ phối hợp với UBND Thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình ban hành theo thủ tục rút gọn các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn một số nội dung của Nghị quyết 98/2023/QH15, trong đó có Nghị quyết phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho Thành phố thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP; Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp…

Về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Đường vành đai 3, theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, dù có một số khó khăn nhưng tiến độ thực hiện 2 dự án thành phần trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu kế hoạch, tiến độ của Chính phủ đề ra. UBND Thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án, trong đó đặc biệt về nguồn vật liệu cát đắp nền đường; sớm ban hành quy trình, quy chuẩn sử dụng cát biển phục vụ đắp nền đường các dự án vành đai, cao tốc…

Giải trình về công tác xây dựng nhà ở xã hội và di dời nhà ven kênh rạch, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Thành phố còn hơn 11 nghìn căn hộ, nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước đang để trống. Hiện có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ, nền đất, trong đó có 3.790 căn ở khu Thủ Thiêm và khoảng 1.000 căn ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Các căn hộ này được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, vay ngân hàng và không thể áp dụng giải pháp chuyển đổi sang nhà ở xã hội do vướng các quy định của pháp luật, sự không đồng nhất về nguồn vốn, giá thành chi phí cao và quy định vượt khung diện tích.

Tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận kết quả tích cực của Thành phố trong phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau giai đoạn COVID-19; những nỗ lực của Thành phố trong triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 và Dự án đầu tư Đường vành đai 3. Đồng thời trao đổi một số vấn đề quan tâm như cần làm rõ hơn nguyên nhân, tìm giải pháp gia tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; giải pháp giải quyết các vấn đề cử tri Thành phố quan tâm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chung cư; công tác kích cầu thương mại và quản lý hoạt động thương mại điện tử; quản lý nhà đất công…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục