TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài cuối: Sức bật từ hạ tầng
Một loạt siêu dự án đã và đang được TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị khởi công được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói riêng, khu vực phía Nam và cả nước nói chung. Các tuyến đường sắt tốc độ cao, những cây cầu hiện đại, tuyến đường vành đai gỡ điểm nghẽn hạ tầng… đang tô điểm thêm cho TP. Hồ Chí Minh ngày càng “tỏa sáng” trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
*Mở rộng không gian đô thịTP. Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những yêu cầu mang tính chiến lược về không gian đô thị, mô hình kinh tế và chất lượng sống; trong đó, việc phát triển đô thị sinh thái ven biển được xác định là một trong những hướng đi đột phá, phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong bối cảnh đó, Cần Giờ, vùng đất duy nhất của TP. Hồ Chí Minh giáp biển, với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một cực phát triển mới: Vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ, logistics và kinh tế biển. Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise được triển khai xây dựng từ cuối tháng 4/2025 tại cửa biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh góp phần cụ thể hóa các chủ trương nêu trên. Đây là dự án có tầm ảnh hưởng không chỉ với TP. Hồ Chí Minh mà còn tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực Đông Nam Bộ, mở ra tầm nhìn đột phá về phát triển kinh tế biển ở cấp quốc gia.Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết: Khi đi vào vận hành, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ trở thành một điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế – tài chính – du lịch quốc tế, đúng theo định hướng của thành phố. "Chúng tôi sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình triển khai dự án, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng kết nối và môi trường đầu tư", ông Hải chia sẻ.Với quy mô 2.870 ha, dân số dự kiến khoảng 230.000 người, Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ không chỉ là khu đô thị đơn thuần mà được định vị là một thành phố sinh thái, thông minh, nghỉ dưỡng, dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Chia sẻ về tầm nhìn khi phát triển đầu tư dự án, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: Tập đoàn xác định phát triển đô thị tại Cần Giờ không thể đi theo lối mòn cũ mà cần mang một cách tiếp cận hoàn toàn mới, kết hợp hài hòa và cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, nơi sự hiện đại và thiên nhiên cộng hưởng với nhau để nâng cao chất lượng sống của con người.Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, một số chính sách đột phá như thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được chuẩn bị kỹ, triển khai thận trọng với kỳ vọng tạo nguồn lực xã hội phát triển thành phố; đồng thời xây dựng quy trình chung gồm các bước để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Để phát triển nhanh và bền vững, Thành phố đang thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước. Theo Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tháng 12/2024, Thành phố phát triển các khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước, đô thị lấn biển Cần Giờ; trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do... cùng trung tâm dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức; nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm công nghệ sinh học quốc gia; khu thể thao Rạch Chiếc.*Đẩy mạnh kết nối vùng
Năm 2025 được xác định là năm bản lề để TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở tung cửa ngõ giao thông đầu mối.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng đang triển khai thực hiện như các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, dự án mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; đang trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu… đã góp phần giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối vùng, hình thành một mạng lưới giao thông liền mạch, giúp vùng Đông Nam Bộ bứt phá phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn Vùng.Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện Thành phố và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tập trung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ, năm 2025 sẽ là năm của các nguồn lực, đặc biệt với kết quả cụ thể triển khai các dự án BOT cửa ngõ, khởi công cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và các tuyến đường trên cao theo hình thức PPP theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm rất đặc biệt đối với TP. Hồ Chí Minh và ngành giao thông.Các dự án giao thông trọng điểm này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ tăng cường sự liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận mà còn thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Đồng thời, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân thành phố, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông đô thị và thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong tương lai. Về huy động nguồn lực, dự kiến trong năm 2025, TP. Hồ Chí Minh tập trung huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển khoảng hơn 620.000 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách khoảng 120.000 tỷ đồng, các nguồn vốn xã hội khoảng 500.000 tỷ đồng. Với giai đoạn 2026-2030, TP. Hồ Chí Minh ước huy động trên 4,4 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 1,1 triệu tỷ đồng, huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỷ đồng. Theo định hướng của Trung ương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được sắp xếp thành TP. Hồ Chí Minh (mới), phát huy ưu thế của 3 địa phương có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp. Đó là sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông, cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy - biển, liên kết các cảng biển, mở ra không gian phát triển mới để TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Phát biểu tại một sự kiện vào cuối tháng 4/2025 tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Tô Lâm, cho rằng, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nhưng đồng thời, chính sự tham gia, hợp tác, bổ sung nguồn lực từ các tỉnh thành phía Nam – với những thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa – cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu, làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của TP. Hồ Chí Minh mở rộng. Đây là quá trình "cùng phát triển", "cùng nâng tầm", với mối quan hệ hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành một cực tăng trưởng mới có sức cạnh tranh toàn cầu, thân thiện, bền vững và giàu bản sắc.TP. Hồ Chí Minh mở rộng sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế và sáng tạo quốc gia và khu vực. Định hướng phát triển thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, xây dựng một xã hội hài hòa, rộng mở, gắn kết và văn minh, tích hợp, kết tinh những giá trị tiên tiến nhất, tinh hoa nhất của châu Á và thế giới.
Theo Tổng bí thư Tô Lâm, sứ mệnh mới cho TP. Hồ Chí Minh mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng; trong đó, các tỉnh phía Nam không chỉ "đồng hành", mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. TP. Hồ Chí Minh mới sẽ thành công nếu cả Vùng cùng phát triển và Vùng sẽ thăng hoa khi có TP. Hồ Chí Minh dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ, cùng nhau tiến về phía trước. TP. Hồ Chí Minh đã và đang tập trung triển khai và thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, mang tính đột phá và cấp bách của Trung ương, chuẩn bị tâm thế và điều kiện bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, thành phố cũng đang định hình lại tương lai trên một không gian mới, nguồn lực mới với định hướng là thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập, tăng trưởng xanh, bền vững, xã hội gắn kết, mở rộng, văn minh, kết tinh các giá trị tiến bộ, văn hóa của thế giới.>>>TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài 2: Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế>>>TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài 1: Từ “xé rào” đến “đầu tàu” kinh tế
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
TP. Hồ Chí Minh khởi công mở rộng đường Nguyễn Thị Định kinh phí 2.000 tỷ đồng
10:51' - 26/04/2025
Đường Nguyễn Thị Định đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy dài gần 2km sẽ được mở rộng với kinh phí đầu tư 2.000 tỷ đồng. Dự án được UBND thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) khởi công sáng 26/4.
-
Kinh tế Việt Nam
Hướng phát triển nào cho hệ thống chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh?
18:33' - 22/04/2025
Ngày 22/4, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Hệ thống chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh - Nhìn về tương lai”.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Sửa Luật Đầu tư công: Bổ sung quy định chi phí chuẩn bị giải phóng mặt bằng
19:40' - 02/05/2025
Dù đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc nổi cộm ảnh hưởng đến tiến độ dự án đầu tư công
-
Kinh tế Việt Nam
TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài 2: Kỳ vọng từ Trung tâm tài chính quốc tế
18:21' - 02/05/2025
Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để TP. Hồ Chí Minh tạo lập cực tăng trưởng mới trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính sắp tới.
-
Kinh tế Việt Nam
TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài 1: Từ “xé rào” đến “đầu tàu” kinh tế
18:20' - 02/05/2025
Với tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở, “làm cho sản xuất bung ra”, TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra những "bước đột phá đầu tiên" của quá trình đổi mới, từng bước trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Khai thác hiệu quả nguồn vốn FDI góp phần bứt phá tăng trưởng kinh tế
14:30' - 02/05/2025
Việc khai thác hiệu quả các nguồn lực; trong đó, có nguồn vốn FDI sẽ giúp đất nước tăng tốc, bứt phá cho giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng 2 con số.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga
12:31' - 02/05/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga, dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Phòng hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh
11:09' - 02/05/2025
Với khát vọng vươn tầm, Hải Phòng đang hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh, cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
-
Kinh tế Việt Nam
Chuyển đổi số logistics để nắm bắt cơ hội phát triển
10:07' - 02/05/2025
Chuyển đổi số đang là xu hướng không thể đảo ngược với mọi lĩnh vực; trong đó, có ngành logistics.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Giám đốc NIC: Tạo vốn mồi đầu tư mạo hiểm
08:00' - 02/05/2025
Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Canarval Hạ Long 2025: Kết nối di sản – Tiên phong tỏa sáng
22:11' - 01/05/2025
Tối 1/5, tại Quảng trường Sun Carnival, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Chương trình Canarval Hạ Long chính thức khai mạc với chủ đề “Kết nối di sản – Tiên phong tỏa sáng”.