TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài 1: Từ “xé rào” đến “đầu tàu” kinh tế

18:20' - 02/05/2025
BNEWS Với tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở, “làm cho sản xuất bung ra”, TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra những "bước đột phá đầu tiên" của quá trình đổi mới, từng bước trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, TP. Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn tái thiết với nhiều thách thức to lớn. Trải qua hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, TP. Hồ Chí Minh từng bước khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, mang sứ mệnh tiên phong cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

TTXVN thực hiện chùm bài viết với chủ đề “TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế” nhằm ghi nhận, đánh giá lại quá trình vượt qua khó khăn cùng những đóng góp của TP. Hồ Chí Minh trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế đất nước của Đảng và Nhà nước trong cũng như định hướng cho tương lai.

Bài 1: Từ “xé rào” đến “đầu tàu” kinh tế

Cũng như nhiều địa phương khác, TP. Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng phải vật lộn với nhiều khó khăn, thách thức. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, những cuộc cải cách kinh tế cũ đã tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, lạm phát tăng cao. Với tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở, “làm cho sản xuất bung ra” của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đã tạo ra những "bước đột phá đầu tiên" của quá trình đổi mới.

*Từ “phá rào” cơ chế…

Những năm đầu sau giải phóng, với cơ chế quản lý tập trung bao cấp, khiến các hoạt động kinh tế đình trệ, rơi vào cảnh bí bách, khó khăn tứ bề, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết định táo bạo thúc đẩy giao thương, thay đổi hoạt động sản xuất để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Từ năm 1979 trở đi, nền kinh tế thành phố bộc lộ những hạn chế khi sản lượng công nghiệp quốc doanh sụt giảm nghiêm trọng, ngành công thương của Nhà nước gặp nhiều khó khăn, các nông trường, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm ăn thua lỗ. Cùng với mùa màng thất bát, chế độ bao cấp về thực phẩm đã đẩy 3,5 triệu dân vào nạn thiếu đói, phải ăn cơm độn.

Trong bối cảnh vô vàn khó khăn đó, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp chạy gạo cứu đói, chỉ đạo công ty lương thực và các đơn vị vượt qua rào cản “ngăn sông cấm chợ” mang gạo từ đồng bằng về kịp thời cho người dân thành phố. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, từ những năm 1980, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bằng nhiều biện pháp, liên kết tìm nguyên liệu sản xuất, thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm. Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhớ lại: Thành phố mượn tài sản, vàng của nhân dân để đổi USD nhập nguyên vật liệu cho nhà máy sản xuất; lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện kế hoạch 3 lợi ích, đó là: Lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động.

 
Được bật "đèn xanh" của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động “xé rào”, tổ chức lại sản xuất, liên kết với các tỉnh khai thác nguyên liệu, cung ứng thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao. Có thể kể đến Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá Vĩnh Hội, Công ty Lương thực thành phố; các xí nghiệp dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú, Phước Long; cơ khí Caric, Silico, Vinapro, Sinco, Dược Thú y… Đời sống nông dân cũng từng bước ổn định, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển từ “vành đai trắng” trong chiến tranh chuyển thành “vành đai xanh”.

Lĩnh vực phân phối lưu thông đã chuyển biến theo hướng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, kết hợp cải tạo với xây dựng, tổ chức lại mạng lưới tiểu thương rộng lớn; liên kết và mở rộng giao lưu hàng hóa với các tỉnh, tích cực đầu tư chiều sâu cho nông thôn… Thành phố là địa phương đi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu với nhiều mô hình tiêu biểu như Direximco, Imex Saigon, Cholimex, Ficonimex, Pharimex… Theo PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “phá rào” trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông, cấm chợ” thời điểm đó. Việc làm của TP. Hồ Chí Minh được Trung ương ghi nhận.

Một trong những chính sách đột phá và mang tính thử nghiệm sớm nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam, ban hành vào năm 1987. Nhờ chủ động áp dụng các gói ưu đãi riêng, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Chính quyền thành phố khi đó đề xuất mức ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, ưu tiên cung cấp điện nước, đồng thời rút gọn thủ tục cấp phép trong khung “một cửa” để tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư.

Song song với việc thu hút FDI, TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong xây dựng các khu chế xuất và khu công nghiệp. Khu chế xuất Tân Thuận thành lập năm 1989, trở thành mô hình thí điểm cho cả nước về tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Tiếp đó, Khu chế xuất Linh Trung được xây dựng đầu thập niên 1990 đã đẩy mạnh thu hút lĩnh vực điện tử, cơ khí, chế tạo linh kiện, mở rộng liên kết với các tỉnh để cung ứng nguyên liệu. Từ đó, một loạt khu công nghiệp như Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc với cơ chế ưu đãi phù hợp cũng được thành lập sau đó, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến trong cơ cấu kinh tế thành phố và đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, TP. Hồ Chí Minh thể hiện vai trò dẫn dắt khi thí điểm mở cửa cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động từ đầu thập niên 1990. Việc có mặt của các ngân hàng này không chỉ tạo kênh dẫn vốn FDI, mà còn giới thiệu những phương thức thanh toán, tài trợ thương mại hiện đại, làm phong phú thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam.

Đánh giá về giai đoạn này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: “Có thể nói rằng, những sáng kiến và nhiều biện pháp ban đầu chỉ là biện pháp tình thế nhưng kết quả thực tiễn sinh động của TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, đã trở thành cơ sở quan trọng cho lãnh đạo Đảng có những quyết sách để hoạch định mô hình phát triển kinh tế kể từ Đại hội VI, tháng 12/1986”.

*… đến vị thế “đầu tàu” kinh tế

Vượt qua những khó khăn ban đầu, TP. Hồ Chí Minh đã phát huy mọi lợi thế của mình để vươn lên và duy trì vị thế đầu tàu về kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) đã khẳng định: “TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật lớn của cả nước, đi đầu trong việc thực hiện đường lối đổi mới, nhất là về phát triển các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng thương mại đối ngoại”. Đây là văn kiện đầu tiên xác định TP. Hồ Chí Minh là trung tâm đa lĩnh vực, đồng thời được giao “nhiệm vụ tiên phong” triển khai các chính sách mở cửa kinh tế.

Giai đoạn 1988-1998, TP. Hồ Chí Minh liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung nhiều vào công nghiệp chế biến và dịch vụ. Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp đã nhanh chóng nhân rộng sang Bình Dương, Đồng Nai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền Nam và toàn quốc. Theo TS. Đào Minh Hồng, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, loạt chính sách kinh tế đối ngoại mang tính thử nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh, từ thu hút FDI, thành lập khu chế xuất – khu công nghiệp, tự do hóa xuất nhập khẩu, phát triển tài chính – ngân hàng đến cải cách hành chính, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành khung pháp lý mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới.

Ngay từ khi hội nhập, TP. Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển dựa trên khoa học công nghệ. Nhiều mô hình như Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung… được hình thành từ chủ trương này, đã thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ thế giới. Nổi bật là Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, nơi thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước về công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao. Một trong những dấu ấn lớn của Khu là việc Tập đoàn Intel đầu tư 1 tỷ USD để mở nhà máy năm 2006, gây tiếng vang rất lớn trong khu vực thời điểm đó.

Sự hiện diện của Intel góp phần khẳng định niềm tin, tiềm năng và sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế. Đến nay, Khu có 160 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 12 tỷ USD; trong đó, vốn FDI hơn 10 tỷ USD. Hiện Khu Công nghệ cao đã trở thành thương hiệu quốc tế, hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đầu tư tại đây như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)... Mô hình thành công này được thể hiện rõ ở kim ngạch xuất khẩu. Năm 2010, Khu có sản phẩm xuất khẩu đầu tiên với kim ngạch chỉ 0,5 tỷ USD, thì một năm sau con số tăng gấp đôi và năm 2017 vượt mốc hơn 10 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh và đạt hơn 20 tỷ USD năm 2024.

Là cửa ngõ kết nối khu vực và quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phố giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 58 tỷ USD với hơn 9.000 dự án tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng và dịch vụ logistics. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng – chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 104 tỷ USD. Trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thành phố đã khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (C4IR) hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh với hơn 2.200 doanh nghiệp, chiếm 50% toàn quốc; thương mại điện tử tăng trưởng 52% - cao nhất cả nước.

Với vai trò, vị trí của mình, cùng với những định hướng chiến lược của Trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tập trung nỗ lực để đến 2030 trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị phát triển ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu; kinh tế- văn hóa- xã hội phát triển đặc sắc, bền vững, có chất lượng sống cao, hội nhập kinh tế sâu rộng.

>>>TP. Hồ Chí Minh và vị thế đầu tàu kinh tế - Bài 2: Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục