Tp. Hồ Chí Minh: Xử lý nhanh sai phạm và chống chuyển giá

14:41' - 19/02/2017
BNEWS Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói rằng khẩn trương xây dựng chương trình giám sát của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy làm sao ngăn ngừa, xử lý nhanh những sai phạm và chống chuyển giá.

Ngày 19/2, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, liên quan đến công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, nói rằng vấn đề thu ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó phải phát huy tối đa vai trò của cấp quận/huyện ủy, giám sát của các sở ban ngành để chống tiêu cực và hạn chế thất thu thuế.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng chương trình giám sát của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy làm sao ngăn ngừa, xử lý nhanh những sai phạm và chống chuyển giá.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, thực hiện tốt công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá, lợi ích đạt được không chỉ là số thuế mà còn phải góp phần tạo điều kiện thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu và vượt chỉ tiêu về thu ngân sách năm 2017, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cần tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Song song đó, thúc đẩy xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin về cải cách, bám sát chủ trương của thành phố về xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung để tất cả các sở ngành kết nối, sử dụng thông tin.

Báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, vì hoạt động chuyển giá là chuyển thu nhập từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp, nên cần xem xét điều chỉnh mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam không quá chênh lệch với thuế suất của các nước trong khu vực.

Do đó, để nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ở Việt Nam trong thời gian tới, cần quan tâm trước tiên đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý thuế nói chung và quản lý Nhà nước nói riêng.

Điển hình như nâng cấp Thông tư 66/2010/TT-BTC về chuyển giá lên Luật và Nghị định. Đại diện Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị cần sớm ban hành dữ liệu tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành hoặc sử dụng dữ liệu ngành thống kê để ấn định nếu doanh nghiệp kê khai dưới ngưỡng. Đây là vũ khí sắc bén giúp cơ quan thuế thực hiện thanh kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Riêng thời gian thanh tra thuế tại Cục Thuế nên được kéo dài lên 45 ngày để có đủ thời gian thực hiện đấu tranh với hiện tượng chuyển giá xuyên quốc gia; đồng thời mua dữ liệu thương mại toàn cầu để hỗ trợ công tác thanh tra. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại cơ quan thuế gần 150.800 hồ sơ kê khai thuế, số thuế kê khai bổ sung là 71 tỷ đồng.

Đồng thời thanh tra, kiểm tra tại hơn 20.200 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt là 2.800 tỷ đồng. Trong đó, ngành thuế thành phố tập trung phân tích chuyên sâu và triển khai chống thất thu, chống rủi ro đối với 16 lĩnh vực, hoạt động có rủi ro về thuế. Riêng một số chuyên đề có hiệu quả cao như đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (chuyển giá) thu được 116 tỷ đồng.

Vì vậy, công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đòi hỏi cơ quan chức năng các ngành liên quan, chứ không chỉ riêng Cục Thuế thành phố tăng cường sử dụng công cụ chống chuyển giá hữu hiệu trên thế giới là quyền xác định giá, thương thảo trước giá.

Theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và phải có sự phối hợp chặt chẽ của những sở ngành liên quan mới đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Trong đó, nhằm thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế và chống chuyển giá, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, đã và đang không ngừng cải thiện tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế Việt Nam.

Nếu trước đây, tỷ trọng thanh toán dùng tiền mặt của nền kinh tế Việt Nam là 19% - 20%, thì hiện nay đã được kéo giảm còn khoảng 10%. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phòng chống rửa tiền quốc gia thực hiện rà soát tất cả giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rủi ro thất thu thuế; liên kết với ngành hải quan, thuế... để truy thu thuế, góp phần chống thất thu thuế.

Bên cạnh việc đánh giá cao những giải pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng: Tp. Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương tích cực nỗ lực cùng ngành Thuế cả nước hoàn thành nghiệm vụ.

Nhiều giải pháp, mô hình hoạt động hiệu quả của Tp. Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai rộng trên cả nước, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

Trong năm 2017, ông Bùi Văn Nam đề nghị ngành Thuế Tp. Hồ Chí Minh tập trung các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành đã giao về thu ngân sách, chống thất thu thuế và chống chuyển giá.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý và khai thác hiệu quả thuế sử dụng đất, thuế trước bạ đất, đảm bảo công bằng xã hội. Riêng lĩnh vực thương mại, tuy không mới những việc thực thi các chính sách, văn bản pháp luật chưa hiệu quả, cần đẩy mạnh những giải pháp khắc phục bất cập.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, ngành Thuế Tp. Hồ Chí Minh phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào những đối tượng có dấu hiệu hoặc tìm ẩn rủi ro cao vi phạm về thuế.

Ngoài ra, công tác xử lý các vi phạm về thuế cần có tính răn đe và hướng đến phòng ngừa những trường hợp tương tự. Đặc biệt, ngành thuế thành phố nên triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cải cách và hiện đại hóa nhanh hơn nữa trong thời gian tới./.

>>> Cách nào chống chuyển gía với doanh nghiệp FDI?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục