TPP chính thức được ký kết – Nền tảng cho thương mại thế kỷ 21 đã thành hình

06:07' - 04/02/2016
BNEWS TPP giúp tự hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thương trên khắp khu vực. Về tổng thể TPP sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này.
Thủ tướng New Zealand John Key cùng Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế các nước thành viên tham gia TPP tại Lễ ký. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/2, tại thành phố Auckland, New Zealand, vào lúc 11 giờ 30 giờ địa phương (5 giờ 30 phút giờ Hà Nội), Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và các Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 11 nước thành viên khác tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước.

Chứng kiến lễ ký có Thủ tướng nước chủ nhà John Key. Phát biểu khai mạc lễ ký, Thủ tướng John Key bày tỏ niềm vinh dự được là nước tổ chức lễ ký chính thức TPP cũng tham gia toàn bộ quá trình hình thành TPP.

Ông cho rằng TPP giúp tự hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thương trên khắp khu vực và về tổng thể sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này.

Sau lễ ký này, mỗi nước có thời gian hai năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực. Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất sáu nước, chiếm tối thiểu 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của cả 12 nước, phê chuẩn.

Điều này có nghĩa là thỏa thuận phải được Quốc hội tại hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – được Tổng thống Mỹ Barack Obama miêu tả là nền tảng cho thương mại thế kỷ 21. Hiệp định này bao phủ gần 40% GDP và một phần ba thương mại của thế giới.

Thủ tướng New Zealand John Key phát biểu tại lễ ký. Ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand cung cấp.

Mặc dù còn có những nhìn nhận đa chiều, song về tổng thể thì đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp các nước đều ủng hộ hiệp định TPP, cho rằng TPP sẽ đem lại lợi ích chung các nước thành viên thông qua việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, gắn kết các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu...

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

Một khi có hiệu lực, TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính TPP sẽ giúp nâng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương thêm 1,1% vào năm 2030, trong đó Việt Nam sẽ chứng kiến GDP tăng 10%, tiếp theo là Malaysia tăng 8% và Brunei tăng 5%.

Nhật Bản đứng ở vị trí thứ sáu với mức tăng 2,7% trong khi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất tham gia hiệp định này, sẽ chứng kiến GDP tăng trưởng khiêm tốn 0,4%.

Những cái bắt tay vui mừng của các đại biểu khi TPP được chính thức ký kết. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng nhận định: “Nếu so sánh với các nước thành viên TPP, quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, trình độ phát triển còn thấp.

Vì vậy khi đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định TPP, rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất qua thực thi TPP, nhất là trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thu hút dịch vụ và đầu tư.

Theo tôi các ý kiến này không sai. Tuy nhiên giữa lý thuyết và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với các thách thức khó khăn như thế nào.

Chỉ khi Việt Nam có được các giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được”.

Sau lễ ký, 12 nước tham gia bao gồm Mỹ, Australia), Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico  New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình hợp thức hoá trong nước và mất hai năm để thoả thuận có hiệu lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục