TPP ngăn chặn các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ

13:33' - 20/04/2016
BNEWS Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức. Việc xử lý các hành vi vi phạm cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.Ảnh:Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/4 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, gồm khoảng 800 triệu dân và bổ sung cho GDP của thế giới thêm gần 300 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm; chiếm 26% lượng hàng hóa trung chuyển trên thế giới.

TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà các nước thành viên đang từng bước phải thực hiện các cam kết như: quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp...

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, trong những năm qua, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được triển khai đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương với các chương trình như: Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của 9 bộ, ngành Trung ương…

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức. Việc xử lý các hành vi vi phạm cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Nguyễn Thị Thanh Hà đã phân tích nhiều nội dung và cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP; trong đó bao gồm các quy định cụ thể đối với hàng hóa, về thuế, hải quan, mua sắm công, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh… áp dụng đối với các loại hình dịch vụ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử.

TPP quy định các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về hợp tác, về sáng chế, về dữ liệu thử nghiệm trong ngành dược phẩm, nông hóa phẩm… về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và các quyền có liên quan.

Đánh giá về thực trạng vi phạm và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ, nêu rõ, qua thực tiễn xử lý, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý trên 22.400 vụ việc liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt 53 tỷ đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Riêng thanh tra ngành khoa học và công nghệ đã xử lý 752 vụ việc, xử phạt 344 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 6 tỷ đồng; thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xử lý 419 vụ việc, xử phạt 384 đối tượng vi phạm với tổng số tiền phạt trên 9 tỷ đồng…

Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Toàn, cần rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hình sự, Luật Hải quan, Luật Dược…

Ngoài ra, cần tăng cường năng lực thưc thi cho các cơ quan có thẩm quyền như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, công chức và lực lượng chức năng, đi đôi với việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ quan điểm rằng, cần phải nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của tài sản trí tuệ; coi sở hữu trí tuệ là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của mình; đồng thời cần tiến hành việc khảo sát thị trường một cách thường xuyên và liên tục để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vụ việc và hành vi vi phạm, xâm hại tới quyền sở hữu trí tuệ của chính mình…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục