Trái phiếu Eurozone là lựa chọn hàng đầu của thị trường thế giới năm 2024

15:11' - 20/12/2023
BNEWS Đối với các nhà đầu tư can đảm trở lại thị trường trái phiếu trong một năm đầy biến động, trái phiếu Eurozone là điểm sáng lớn với mức lợi nhuận hấp dẫn.
Cùng với đó, nền kinh tế khu vực suy yếu, cũng như các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng thắt chặt hầu bao đồng nghĩa sức hấp dẫn của trái phiếu Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp diễn sang năm 2024.

Thị trường trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 10.000 tỷ USD của Eurozone dự kiến sẽ đạt mức sinh lời 6,5% trong năm nay. Đây là đợt phục hồi đầu tiên sau hai năm lợi nhuận trái phiếu toàn cầu ở mức âm trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
 
Cùng với đó, trái phiếu Eurozone đã tỏ ra vượt trội so với trái phiếu Kho bạc Mỹ với mức lợi nhuận 3,5% trong năm nay và trái phiếu Anh (tăng 2,4%).

Trong số các trái phiếu của Eurozone, lợi nhuận từ trái phiếu của Italy (I-ta-li-a) đã tăng gần 9%. Đây vốn là trái phiếu tâm điểm của những lo lắng xung quanh tác động từ việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục.

Đối với một số người, đó mới chỉ là sự khởi đầu.

Lạm phát ở Eurozone đang giảm nhanh và một cuộc suy thoái cuối năm sắp xuất hiện. Theo cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, khối này dự kiến chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm tới, bằng một nửa tốc độ của Mỹ và thúc đẩy nhu cầu mua trái phiếu trú ẩn an toàn của Đức.

Cùng với đó, quyết định của Tòa án hiến pháp Đức ngăn nước này chuyển 60 tỷ euro dành ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 sang quỹ chống biến đổi khí hậu có thể làm giảm mức tăng trưởng Đức tới 0,5% trong năm tới. Chính phủ nước này có thể phải cắt giảm chi tiêu để quay trở lại chế độ "phanh nợ" nhằm hạn chế các khoản vay mới.

Ông  Chris Jeffery, người đứng đầu bộ phận chiến lược lãi suất và lạm phát tại công ty quản lý đầu tư Legal and General Investment Management cho biết phán quyết của tòa án Đức củng cố quyết định ủng hộ trái phiếu châu Âu hơn trái phiếu kho bạc Mỹ của ông.

Ông cho rằng khu vực này sẽ có những chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, đủ lớn để phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Đồng thời, ông lưu ý rằng việc Đức cắt giảm chi tiêu diễn ra ngay giữa lúc Eurozone đang cố gắng cải cách các quy tắc tài chính dành cho các quốc gia thành viên muốn hạn chế thâm hụt ngân sách.

Một lợi thế khác của trái phiếu châu Âu: không có nền kinh tế lớn nào trong khối tổ chức bầu cử vào năm tới, trái ngược với tình hình tại Mỹ. Điều này loại bỏ tiềm năng gây áp lực chi tiêu bổ sung khi các ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ.

Quyết định hôm 14/12 của ECB về việc loại bỏ từng bước việc tái đầu tư trái phiếu theo kế hoạch hỗ trợ trong mùa dịch cho tới cuối năm 2024 thay vì dừng chúng sớm hơn đã làm tăng thêm tâm lý lạc quan của thị trường. Theo giới chuyên gia, kế hoạch đó được thực hiện từ tốn hơn dự kiến và nằm trong tầm quản lý. 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rủi ro đối với trái phiếu châu Âu.

Đầu tiên, tính biến động thị trường vẫn khá cao. Mức tăng ghi nhận hồi cuối năm theo sau một số biến động giá mạnh, khi trái phiếu châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng Hai và tháng Chín. Hiệp hội Thị trường Tài chính châu Âu hôm 19/12 cho biết ba quý có khối lượng giao dịch trái phiếu hàng ngày ở châu Âu cao nhất kể từ năm 2014 đều diễn ra trong năm nay.

Ngoài ra, đợt phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm có nghĩa là lãi suất trái phiếu Đức, vốn biến động ngược chiều với giá cả, đã giảm xuống mức mà một số ngân hàng từng dự báo chỉ đạt được vào cuối năm 2024. Do đó, mức giảm cho lợi suất trái phiếu Đức trong thời gian tới có thể bị hạn chế.

Bên cạnh đó, trái phiếu Italy có thể không còn “lấp lánh” trong năm sau, đặc biệt nếu các quy định mới của EU cải cách việc giám sát tài chính của nước này. Ông Kal El-Wahab, quản lý cấp cao tại ngân hàng BofA, kỳ vọng hiệu suất vượt trội của trái phiếu Eurozone năm sau sẽ tập trung vào Đức, trong khi nhu cầu huy động vốn cao có thể sẽ đè nặng lên trái phiếu Italy.

Ngân hàng Barclays cũng cảnh báo bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu suy giảm từ các nhà đầu tư bán lẻ, yếu tố then chốt khiến nguồn tiền huy động được của Italy giảm sút trong năm nay, cũng có thể đè nặng lên các trái phiếu của nước này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục