Trà Vinh rút ngắn thời gian giải quyết hơn 80% thủ tục hành chính

08:51' - 27/08/2021
BNEWS Trà Vinh đã tổ chức, bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để rút ngắn từ 30 - 50% thời gian giải quyết đối với 1.520/1858 thủ tục hành chính (chiếm gần 82%).

Theo Ban Chỉ đạo cải cách chính tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã tổ chức, bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để rút ngắn từ 30 - 50% thời gian giải quyết đối với 1.520/1858 thủ tục hành chính (chiếm gần 82%) do bộ, ngành Trung ương quy định, tạo sự hài lòng đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi có yêu cầu.

UBND tỉnh Trà Vinh trực tiếp tổ chức thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh tăng cường thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS và chất lượng hoạt động các Trung tâm Phục vụ hành chính công, các Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn theo cơ chế "một cửa".

Tỉnh Trà Vinh hiện có Trung tâm Phục vụ hành chính công trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, bố trí cán bộ chuyên môn của 14 sở, ban, ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Thành phố Trà Vinh và huyện Cầu Ngang đã thành lập Trung tâm Hành chính công để phục vụ  yêu cầu tư vấn, giải quyết về nhu cầu cầu công tác hành chính cho công dân.

Các huyện, thị xã cùng 106 xã, phường thị trấn còn lại đều bố trí địa điểm, tổ chức Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính và trả kết quả theo cơ chế "một cửa".

Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được tỉnh chỉ đạo ưu tiên sử dụng dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm bớt sự phiền hà, đi lại nhiều lần của công dân.

Tỉnh đã vận hành thủ tục hành chính được tiếp nhận, giao trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Với sự vận hành đồng bộ, tập trung cho công tác cải cách hành hành chính, tỉnh đã hạn chế thấp nhất tình trạng quá hạn, trễ hẹn giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhiều sở, ngành chuyên môn thẩm định trên cùng một thủ tục hành chính.

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cải cách hành chính để đạt được 6 mục tiêu.

Đó là: nâng kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) từ nhóm D lên nhóm C; nâng kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) từ nhóm có điểm trung bình thấp lên nhóm có điểm trung bình cao; phấn đấu đạt Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) từ 85% trở lên và nằm trong nhóm đạt kết quả cao; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index); xây dựng chính quyền điện tử theo khung kiến trúc 2.0, với khoảng 50% thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục