Trà Vinh hỗ trợ hơn 47 tỷ đồng cho lao động tự do theo Nghị quyết 68

10:18' - 16/08/2021
BNEWS Hơn 31.000 người được duyệt nhận hỗ trợ là những người làm các công việc như thu gom rác, phế liệu; bốc vác, thợ hồ, vận chuyển hàng hóa; xe ôm truyền thống, xe lôi đạp… không có giao kết hợp đồng.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 59/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 13/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt cho hơn 31.000 người thuộc nhóm đối tượng lao động tự do trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ. Tổng kinh phí là gần 47,3 tỷ đồng với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, cho biết, đây là những người làm các công việc như thu gom rác, phế liệu; bốc vác, thợ hồ, vận chuyển hàng hóa; xe ôm truyền thống, xe lôi đạp… không có giao kết hợp đồng.

Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã giải ngân hơn 23 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 15.500 người; trong đó, huyện Cầu Kè đã giải ngân 100% kế hoạch với tổng số tiền là hơn 3,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 2.500 người, huyện Châu Thành giải ngân đạt gần 99% với hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ cho 2.700 người. Tỉnh vẫn đang tiếp tục rà soát, cập nhật số người lao động thuộc nhóm đối tượng này.

Cũng theo ông Dương Quang Ngọc, thực hiện chính sách giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tỉnh có 895 đơn vị với hơn 42.000 lao động được Bảo hiểm Xã hội tỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng 12 tháng (tính từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022) là hơn 13 tỷ đồng.

Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế (F0 và F1); hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương./.

>>>Đã giải ngân 141 tỷ đồng cho vay trả lương phục hồi sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục