Trà Vinh "trải thảm” mời doanh nghiệp

11:51' - 23/01/2019
BNEWS Năm 2018, hoạt động xúc tiến mời gọi thu hút đầu tư của tỉnh Trà Vinh đã thu được kết quả tích cực.
Năm 2018, hoạt động xúc tiến mời gọi thu hút đầu tư của tỉnh Trà Vinh đã thu được kết quả tích cực.  Ảnh minh họa: Danh Lam - TTXVN
Trên 80 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến với Trà Vinh và đăng ký đăng ký đầu tư 76 dự án, tăng 24 dự án so năm 2017, với tổng vốn đăng ký gần 2.339 tỷ đồng và 148,52 triệu USD. Phát huy thành quả đạt được, năm 2019, Trà Vinh đang tiếp tục “trải thảm” để mời gọi doanh nghiệp.

*Hiệu quả từ các giải pháp mở

Năm 2017, theo công bố của Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Trà Vinh xếp thứ hạng 37/63 tỉnh thành của cả nước. Trà Vinh có 2 chỉ số thành phần: đào tạo lao động xếp thứ hạng 58/63 tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp thấp nhất cả nước.

Khắc phục những hạn chế yếu kém, ngay từ đầu năm 2018, tỉnh Trà Vinh đã tiến hành cuộc đổi mới toàn diện bằng những cơ chế, chính sách, vai trò lãnh đạo điều hành của các cơ quan chuyên môn nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Điểm khởi động tích cực là UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao PCI nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính năng động, tiên phong của từng đơn vị và địa phương trong thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, tỉnh đã mạnh dạn thực thi nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư; chỉ đạo mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, thông thoáng, giảm tối đa chi phí và thời gian cho nhà đầu tư.

Để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp về mặt thông tin môi trường đầu tư, tỉnh lập danh sách các dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức các cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư để công bố những dự án có thế mạnh về tiềm năng, sức tác động lớn đến kinh tế - xã hội được tỉnh ưu tiên, ưu đãi để các nhà đầu tư tham khảo, tiếp cận.

Điển hình các dự án, như: dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, quy mô 100 – 200ha; dự án hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) xuất khẩu, quy mô 800 – 1.000 ha; dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, quy mô 20.000 – 30.000 ha; dự án phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ bò ở các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, quy mô trên 5.000 con/dự án; dự án xây dựng nhà máy đóng, sửa chữa tàu thuyền và sản xuất gia công cơ khí, quy mô 70.000 tấn/năm....

*Tiếp tục “trải thảm” mời gọi doanh nghiệp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nhưng lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng thấp, chưa có nhiều đột phá. Tuy nhiên, dự báo năm 2019, kinh tế vĩ mô của nước ta ta ổn định, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Đối với tỉnh Trà Vinh trong những năm qua nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, tỉnh đề cao nhiệm vụ là tập trung tạo ra bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng về công nghiệp, thương mại dịch vụ. Cụ thể, tỉnh tập trung mạnh mẽ cho xúc tiến thu hút đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có Khu công nghiệp Long Đức, Khu kinh tế Định An và đang triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cầu Quan, Khu công nghiệp Cổ Chiên, với tổng với hơn 400 ha. Đây là những “nền móng” để tạo bước đột phá kinh tế nên tỉnh quyết tâm thực thi nhiều chương trình, giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, thực sự tạo môi trường thân thiện, hấp dẫn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Một trong những hoạt động được tỉnh đạt lên hàng đầu là thường xuyên quan tâm, chú trọng việc thực hiện các chính sách, thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, đất đai, thuế, tín dụng… Cùng với đó là đối thoại định kỳ với doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tỉnh đã xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các chính sách có liên quan khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư lớn vào tỉnh.

Các dự án trọng điểm ngoài việc được công khai minh bạch, tỉnh còn chủ trương ưu đãi. Cụ thể, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh thực hiện ưu đãi ở nhiều lĩnh vực như: chính sách đất đai; hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp có trong quy hoạch được duyệt nhưng chưa được đầu tư hạ tầng.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý môi trường; hỗ trợ đầu tư chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản, hải sản; hỗ trợ tư vấn cho tạo lập, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động; hỗ trợ kinh phí xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch,…

Ngay từ đầu năm 2019, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tăng cường xúc tiến quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, định hướng các lĩnh vực tập trung kêu gọi đầu tư và môi trường đầu tư của tỉnh tới các nhà thầu trong và ngoài nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh in ấn các tài liệu, dự án cũng như hướng dẫn đầu tư vào Trà Vinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm khẳng định, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, tỉnh sẽ nỗ lực tối đa, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, vận dụng những cơ chế, chính sách đặc thù để “trải thảm” mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến với tỉnh. Qua đó, góp phần tạo động lực quan trọng cho tỉnh tạo bước đột phá về kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục