Trải nghiệm tác nghiệp: Biến những con số khô khan thành số biết nói

06:20' - 16/10/2022
BNEWS Đam mê nghề chính là động lực thúc đẩy những phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới đến với nghề, yêu nghề để biến những con số khô khan thành "biết nói", có "tâm hồn" thu hút độc giả.

Vốn là một nghề mang nhiều áp lực, đôi khi còn rất nguy hiểm, việc thực hiện một tác phẩm báo chí đòi hỏi người làm báo ngoài chuyên môn cần phải có sức khỏe, bản lĩnh để dấn thân vào những nơi khó khăn nhất, cam go nhất, nguy hiểm nhất để cùng sống với những nhân vật trong tác phẩm của mình.

Đó là những chuyến đi xa cùng công việc làm không theo quy chuẩn giờ giấc, thời tiết nắng hay mưa hay dịch bệnh.

Đam mê nghề chính là động lực thúc đẩy những phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới đến với nghề, yêu nghề để biến những con số khô khan thành "biết nói", có "tâm hồn" thu hút độc giả.  

*Càng gian nan, viết càng hay

Sau 20 năm làm nghề báo, nhà báo Thảo Nguyên, Phòng Tin kinh tế Việt Nam (Ban biên tập Tin kinh tế) chia sẻ, đã từng kinh nghiệm công tác từ phóng viên cơ quan thường trú tại địa phương và sau đó là Ban biên tập Tin kinh tế theo dõi ngành công thương, du lịch, lao động và nay là ngành than, chị rút ra một điều đó là đi càng khổ thì viết càng hay.

Đã là phóng viên thì không thể đứng bên lề những chuyện buồn, vui của cuộc sống và nhân vật. Với những phóng viên nữ khi làm việc còn phải chịu áp lực nhiều hơn các đồng nghiệp nam. Mặc dù chị đã có gần chục năm viết về ngành than với nhiều bài viết về ngành này nhưng mỗi khi xuống khai trường, hầm lò khai thác chị luôn có một cảm xúc thật đặc biệt và khác lạ với những người thợ.

Ngành than là ngành đặc thù, công việc vất vả với câu “ăn cơm âm phủ, ngủ dương gian” nhưng những người thợ vẫn hồn nhiên vui tươi với những nụ cười tươi rói, lấp lánh sau những gương mặt lấm đầy bụi than. Những nụ cười ấy đã khiến chị có động lực gắn bó với ngành hơn và đi hiện trường chỉ mong được xuống lò dù có vất vả.

“Mỗi chuyến đi tác nghiệp, nhất là những lần đi lò có thể đi từ sáng đến chiều mới ra và ăn cơm trưa cùng thợ dưới lò sâu lúc 15 - 16h chiều là chuyện bình thường. Cùng đó, là điều kiện đi lại, tác nghiệp trong không gian chật hẹp, thiếu dưỡng khí và ánh sáng, độ ẩm cao, nếu không có kinh nghiệm thì rất khó thực hiện, ngay cả đối với phóng viên nam chứ chưa nói đến phóng viên nữ. Nhưng bù lại, tôi được gặp những người thợ với những ánh mắt hân hoan chào đón nữ nhà báo xuống lò và đó là niềm khích lệ để tôi cố gắng đưa những tiếng nói của người thợ đến với độc giả. Sau mỗi chuyến đi thì thành quả thu được lại hoàn toàn xứng đáng bởi những câu chuyện kể dưới lòng đất bao giờ cũng “đặc biệt” từ nhân vật đến bối cảnh”, nhà báo Thảo Nguyên nói.

*Thanh xuân dành cho những con số

Theo nghề báo được 17 năm, nhà báo Nguyễn Thùy Dương trải lòng, 17 năm là khoảng thời gian chị gắn bó với mảng tài chính ngân hàng và chị vẫn thường nói vui rằng: “cả thanh xuân của mình đã dành trọn cho những con số khô khan”.

Với 17 năm theo nghề có bao những kỷ niệm vui buồn. Ngay từ những năm mới vào Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Thùy Dương đã được phân công theo dõi Bộ Tài chính. Cả một thời gian dài gắn bó với mảng tài chính đã giúp chị có nhiều cảm nhận về những khó khăn cũng như thuận lợi mà các phóng viên gặp phải trong lĩnh vực này.

Nhà báo Thùy Dương nhớ lại: “Năm đó, có hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN tại Nha Trang. Tôi mới vào nghề, nên kiến thức về ngành tài chính cũng như kinh nghiệm thực tế tác nghiệp gần như không có. Tôi được giao phải có bài phỏng vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhưng tại các hội nghị quốc tế, việc tiếp cận với vị lãnh đạo thường là rất khó do lịch trình di chuyển liên tục.

Hội nghị lần đó lại được tổ chức tại một hòn đảo tách biệt hẳn với đất liền.

Gần cuối hội nghị có sự kiện lãnh đạo tài chính các nước tham quan một số cơ sở. Đây là một cơ hội hiếm hoi để có thể tiếp cận nên tôi và rất nhiều các nhà báo đã đi theo để tranh thủ tác nghiệp. Tuy nhiên, cả chuyến đi đó chỉ có duy nhất một anh nhà báo đã thành công khi nhanh chóng lên cano ngồi cùng để phỏng vấn được Bộ trưởng”.

Điều này đã dạy cho chị rất nhiều trong quá trình tác nghiệp cần và phải làm gì để đạt được mục tiêu cuối cùng. Hội nghị lần này cũng là cầu nối để chị có thêm những mối quan hệ gắn kết đến bây giờ, cùng cái nhìn sâu hơn, rộng hơn về ngành mà mình được theo dõi. Nhà báo Thùy Dương bày tỏ, ngoài việc thường xuyên gắn với những con số khô khan, đòi hỏi độ chính xác cao và nhiều áp lực thì cũng giúp chị có nhiều trải nghiệm thú vị mà không phải nghề nào cũng có như được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mở rộng mối quan hệ.

*Áp dụng công nghệ thông tin vào tác nghiệp

Với nhà báo Kim Anh, Phòng Thông tin kinh tế đa phương tiện, Ban biên tập Tin kinh tế thì dịch COVID-19 lại là dịp để chị vận dụng công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo Kim Anh cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2019-2021, việc di chuyển tác nghiệp cực kỳ khó khăn.

Để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất tin bài kinh tế, đặc biệt là chương trình truyền hình tiêu điểm kinh tế phát trên VNEWS, chị đã triệt để áp dụng công nghệ thông tin vào tác nghiệp.

Theo đó, chị đã tận dụng ứng dụng zoom để phỏng vấn trực tuyến các lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế nhằm thu thập thông tin cần thiết phục vụ cho bài viết. Với hình thức phỏng vấn này, phóng viên tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại rất nhiều, đồng thời tạo sự linh hoạt chủ động cho người tham gia phỏng vấn bởi hình thức này có thể áp dụng mọi nơi, mọi lúc và vào thời gian có thể ngoài giờ làm việc. Đặc biệt, để phục vụ cho chương trình tiêu điểm kinh tế, chị đã áp dụng hình thức phỏng vấn ghi hình qua zoom. Đây là hình thức được nhiều đài truyền hình trên thế giới cũng sử dụng triệt để trong đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, để đảm bảo có được các hình quay sản xuất sống động khi doanh nghiệp phải sản xuất “ba tại chỗ” với yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khi dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại phía Nam, nhất là Tp. Hồ Chí Minh, chị đã tổ chức lớp học trực tuyến hướng dẫn các nhân viên truyền thông của doanh nghiệp ngành dầu khí là ngành chị đang phụ trách, cũng như hướng dẫn một số chuyên gia kinh tế sử dụng iphone và điện thoại thông minh để tự ghi hình. Nhờ vậy, các doanh nghiệp và chuyên gia đều có thể tự ghi hình với chất lượng đủ để dựng tiêu điểm kinh tế.

Với sự nỗ lực này, trong suốt 3 năm dịch COVID-19 vừa qua chị vẫn đảm bảo thông tin thông suốt, các số tiêu điểm trên truyền hình vẫn thực hiện đều đặn với nội dung phong phú bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong đại dịch và chất lượng đảm bảo mà không phải sử dụng lại các số tiêu điểm đã phát như một số đài truyền hình vẫn làm trong giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng, không thể làm các chương trình mới./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục