Trái phiếu Chính phủ: Kênh huy động vốn hiệu quả

14:45' - 10/12/2019
BNEWS Sáng 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, qua 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển, là công cụ đầu tư an toàn cho các loại hình nhà đầu tư như ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, hệ thống các quỹ đầu tư…

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân trong 11 tháng năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.

”Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á”, bà Phan Thị Thu Hiền nói.

Hội nghị 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn phát hành trái phiếu Chính phủ với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2009-2019, kênh phát hành trái phiếu Chính phủ đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, bình quân đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng/năm.

Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đã được kéo dài qua từng năm, đạt 13,6 năm vào cuối tháng 11/2019, cao hơn 9 -10 năm so với giai đoạn 2009 - 2014, trong khi lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,58%/năm, thấp hơn 6,4% - 7,6%/năm so với giai đoạn 2009 - 2014.

Việc tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Ngoài ra, sản phẩm trái phiếu Chính phủ được phát triển ngày càng đa dạng, là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho mọi loại hình nhà đầu tư.

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới bên cạnh các ngân hàng thương mại như các loại hình quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài; bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Đặc biệt trên thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự tham gia của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài. Đến cuối tháng 11 năm 2019, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các nhà đầu tư dài hạn đạt 55% (tăng 35% so với cuối năm 2009), của các ngân hàng thương mại giảm xuống mức khoảng 45% (giảm 35% so với cuối năm 2009).

Đồng thời, trái phiếu Chính phủ đã trở thành công cụ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái cấp vốn.

Ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng Tài chính Ngân hàng thế giới, cho biết, thời gian qua, thị trường trái phiếu Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngân hàng thế giới đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong việc hợp tác, thúc đẩy quan hệ, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng khuyến nghị, trong xu thế thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, cần mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư từ khu vực ngân hàng.

Cần có khung pháp lý khuyến khích đông đảo, đa dạng hơn các nhà đầu tư ngoài ngân hàng (bảo hiểm, các quỹ đầu tư…) và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu Chính phủ, củng cố danh mục trái phiếu Chính phủ để số lượng mã trái phiếu ít hơn, nhưng quy mô cần lớn hơn, tính thanh khoản tốt hơn, quản lý cơ cấu nợ tốt hơn.

Để cải thiện thanh khoản thị trường và thu hút nhà đầu tư mới, ông Alwaleed Alatabani cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực thực hiện các giải pháp để giảm phân mảng thị trường thông qua các nghiệp vụ tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, cải thiện phát hành để hình thành các mã trái phiếu chuẩn.

Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; trái phiếu Chính phủ trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu này, theo bà Phan Thị Thu Hiền cần gắn kết giữa huy động vốn trái phiếu Chính phủ với điều hành ngân sách nhà nước và quản lý ngân quỹ; xác định cụ thể khối lượng huy động vốn hàng năm, công bố công khai lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn phát hành trái phiếu chi tiết theo hàng quý để nhà đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia.

Đồng thời, tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch, rút ngắn hơn nữa quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu phù hợp với định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục