Trần nợ được khôi phục, nước Mỹ vẫn còn thời gian để đương đầu

13:20' - 03/01/2025
BNEWS Trần nợ công của Mỹ đã được khôi phục vào ngày 2/1, trở thành một thách thức gây chia rẽ mà các nghị sỹ Đảng Cộng hòa phải đối mặt vào năm 2025.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang yêu cầu các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa giải quyết vấn đề trần nợ trước khi ông nhậm chức vào ngày 20/1, nhưng các nhà lập pháp vẫn còn thời gian vì Mỹ có thể còn nhiều tháng nữa mới có nguy vỡ nợ lần đầu tiên đối với các nghĩa vụ của mình.

 

Mức nợ của Mỹ là hơn 36.100 tỷ USD vào ngày 31/12, tăng so với con số 31.400 tỷ USD vào tháng 6/2023, khi mức trần bị đình chỉ theo Đạo luật Trách nhiệm Tài chính lưỡng đảng. Nhưng về mặt kỹ thuật, Mỹ sẽ không thực sự đạt đến trần nợ vào ngày 2/1, cho phép Bộ Tài chính tiếp tục vay thêm một thời gian để thanh toán đầy đủ và đúng hạn các hóa đơn của chính phủ liên bang.

Theo một lá thư mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội, mức nợ dự kiến sẽ giảm 54 tỷ USD vào ngày 2/1 do việc tiến hành thanh toán một số lô trái phiếu đáo hạn.

Do đó, Mỹ dự kiến sẽ không đạt đến mức trần được khôi phục cho đến khoảng từ ngày 14/1 đến ngày 23/1. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ cần phải bắt đầu thực hiện những biện pháp đặc biệt để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Đó là bởi Mỹ chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được và phải vay để bù đắp phần chênh lệch. Nhưng việc vay thêm là không thể một khi đạt đến trần nợ.

Nếu Mỹ đạt đến trần nợ sau lễ nhậm chức của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ thông báo cho Quốc hội vào thời điểm đó và đưa ra cách thức Bộ này sẽ tiến hành. Theo một phân tích ban đầu của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, tiền mặt và các biện pháp đặc biệt của Bộ Tài chính sẽ kéo dài ít nhất vài tháng sau quý đầu tiên của năm 2025.

Giám đốc Chương trình chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, Shai Akabas, cho biết, Chính phủ liên bang sẽ bắt đầu năm 2025 với lượng tiền mặt trong tay nhiều hơn đáng kể so với thời điểm bắt đầu cuộc tranh luận về trần nợ gần đây nhất vào năm 2023. Khoảng đệm này, theo sau là các biện pháp đặc biệt và biên lai thuế tháng 4/2024, có nghĩa là trần nợ sẽ không phải là thời hạn đầu tiên mà Quốc hội phải đối mặt trong Năm Mới 2025. Mỗi dự luật mà họ thực hiện trong những tháng tới đều mang đến cơ hội giải quyết trần nợ kịp thời.

Theo Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, việc Quốc hội phải giải quyết vấn đề nan giải về trần nợ trong bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào số tiền thuế liên bang thu được vào mùa Xuân này, tốc độ chi tiêu các quỹ hỗ trợ thiên tai bổ sung, luật chi tiêu liên bang bổ sung và tình hình của nền kinh tế.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thực sự vỡ nợ vẫn chưa được biết vì điều đó chưa từng xảy ra. Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải quyết định thanh toán những hóa đơn nào, bao gồm trợ cấp an sinh xã hội và lương của người lao động liên bang, dựa trên nguồn thu mà Bộ nhận được hàng ngày. Việc vỡ nợ cũng có thể làm rung chuyển nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng thời có thể khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, làm tăng chi phí đi vay.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào tháng trước đã đưa ra ý tưởng nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD vào năm 2025 trong dự luật đối chiếu ngân sách, có thể bao gồm các biện pháp an ninh biên giới và năng lượng. Dự luật này cũng sẽ bao gồm việc cắt giảm chi tiêu bắt buộc ròng 2.500 tỷ USD, nhằm làm hài lòng các thành viên bảo thủ phản đối việc tăng trần nợ mà không kèm theo cắt giảm.

Tuy nhiên, ông Akabas cho rằng ngay cả khi đảng Cộng hòa tăng trần nợ 1.500 tỷ USD thì điều đó sẽ không giúp đảng có nhiều thời gian. Theo tính toán của ông, Mỹ sẽ chạm mức trần nợ mới vào nửa cuối năm 2025, với khả năng vỡ nợ vào nửa đầu năm 2026. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục