Tránh ách tắc giao thương hàng hóa, doanh nghiệp cần làm gì?

13:23' - 18/12/2021
BNEWS Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần nắm bắt tình hình thông quan để giảm thiểu thời gian chờ đợi, cũng như giảm chi phí bến bãi.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu. Nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao của Trung Quốc gia ngày càng gia tăng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các ngành xuất khẩu nông, thuỷ sản trong nước.

Tuy nhiên, với chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu giảm 50%; cộng thêm nhiều quy định mới từ 1/1/2022 trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đòi hỏi doanh nghiệp, thương nhân và nông dân phải chủ động, linh hoạt trong thương mại và sản xuất nông, lâm, thủy sản.

*Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu nông lâm sản sang thị trường Trung Quốc 10 tháng năm 2021 đạt 7,65 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm 2020.

Đây cũng là thị trường đứng thứ 2 nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Trong các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính, hầu hết các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng, trừ thủy sản và mây tre đan.

Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh như: cà phê, chè, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thịt và sản phẩm từ thịt…

Chẳng hạn mặt hàng gạo, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 10 tháng năm 2021 đạt 924 nghìn tấn với trị giá 459,9 triệu USD, tăng 40,4% về khối lượng và 21% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 9 tháng với kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong chiếm 16,4%, tăng so với mức 14,3% của cùng kỳ năm 2020.

Với thủy sản, đây là nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 10 tháng năm 2021.  Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/CT-TTg quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tháng 10 đã tăng trên 31% so với tháng 9/2021 và tăng hầu hết ở các chủng loại thủy sản xuất khẩu. Qua đó, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng sang thị trường này đạt khoảng 746,4 triệu USD, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Tôm và cá da trơn vẫn là 2 mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này.

Về rau quả, tính chung 10 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 54,5% thị phần rau quả  xuất khẩu của Việt Nam và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc trong10 tháng năm 2021 là thanh long chiếm trên 42,3%, mít 14,6%, xoài 6,4%, chuối 5,6%, chanh 3,8%, dừa 3,4%....

Hiện các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch của nhiều loại nông sản như: thanh long, xoài, bưởi, mít... nên hàng hóa đưa về khu vực cửa khẩu của các địa phương để xuất sang Trung Quốc rất lớn. Thêm vào đó, dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường Trung Quốc tăng nên hàng hóa các địa phương dồn về khu vực cửa khẩu.

*Thị trường có nhiều yêu cầu mới

Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản là những thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp việt Nam đẩy mạnh hơn xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với nhiều chính sách quy định mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, yêu cầu chất lượng và hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc đối với hàng nông, thủy sản ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng cập nhật nhật, thích ứng linh hoạt và thay đổi phương thức sản xuất.

Điển hình là việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID-19  nên hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp kiểm tra COVID-19 trên bao bì, tăng cường việc kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu.

Điều này dẫn đến việc giảm tốc độ thông quan xuống còn 50% so với trước đây. Chưa kể đến nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở bị đóng, tạm ngưng giao dịch khiến hàng hóa đổ về các cửa khẩu được thông quan gia tăng.

Tại Lạng Sơn, theo Sở Công Thương tỉnh, tính đến ngày 15/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) Tân Thanh (huyện Văn Lãng) và Chi Ma (huyện Lộc Bình) là 4.426 xe với các mặt hàng chủ yếu là dưa hấu, thanh long, mít, xoài… Trong khi năng lực thông quan mỗi ngày chỉ khoảng 400 xe.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nguyên nhân giảm xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là do chính sách thắt chặt kiểm soát nhập khẩu thủy sản đối với COVID-19, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.

Trung Quốc đang duy trì kiểm tra SARS-CoV-2 trên bao bì, các phương tiện vận chuyển thủy sản, đặt ra nhiều khó khăn cho các công ty xuất khẩu do các sản phẩm phải chờ dài ngày tại các cảng. VASEP ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD.

Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho biết, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì kiểm soát rất chặt chẽ việc giao hàng qua cửa khẩu khiến tiến độ giao hàng rất chậm. Trong khi với sản phẩm sắn đây lại là thị trường  xuất khẩu chủ lực. Hiện tại, chi phí logistic tăng và thiếu phương tiện chuyên chở hàng gây ra nhiều khó khăn cho ngành sắn Việt Nam.

Mới đây thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) đề xuất việc tạm dừng nhập khẩu hàng hóa bảo quản lạnh trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày. UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi  nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Thu Hà đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng , địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi  nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, đảm bảo thời gian cán  bộ làm việc tại các khu vực cửa khẩu; đồng thời, tiếp tục phối hợp tuyên truyền  thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Đó là hiện tại, còn từ 1/1/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản sẽ phải thực thi 2 lệnh mới của Trung Quốc là Lệnh số 248 quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh số 249 về các Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực.

Cùng với đó, để đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm.

Theo đó, không chỉ thắt chặt về chất lượng sản phẩm nông, thủy sản mà doanh nghiệp phải đăng ký để có mã số thì mới được thông quan và phải in mã số (bên trong và bên ngoài của bao bì sản phẩm). Mỗi một sản phẩm của mỗi một doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp một mã số riêng.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các bên liên quan hoàn thiện việc đăng ký doanh nghiệp đến trước ngày 31/12/2021, để không làm gián đoạn thương mại giữa các thành viên ASEAN – Trung Quốc, trong quá trình thực hiện 2 lệnh trên.

*Thích ứng linh hoạt

Trước tình hình trên, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các địa phương, hiệp hội ngành hàng thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có phương án xử lý và bảo quản hàng nông sản, thủy sản tại địa phương.

Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, thông báo cho các doanh nghiệp làm việc với đối tác nhập khẩu bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu để đảm bảo phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng rau quả, thuỷ sản xuất khẩu qua tuyến biên giới với Trung Quốc. Cùng đó, kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi hàng đưa lên cửa khẩu.

Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thanh long tỉnh Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, Sở Công Thương cho biết, Sở phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc.

Qua đó, để các doanh nghiệp biết, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời, có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu hợp lý.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần nắm bắt tình hình thông quan để giảm thiểu thời gian chờ đợi, cũng như giảm chi phí bến bãi và thiệt hại do hàng hóa bị hư hỏng, mất phẩm chất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên thực hiện các gói hợp đồng thương mại, xuất khẩu hoa quả theo loại hình chính ngạch thay cho việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch để tránh những rủi ro.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu để có phương án điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu các loại trái cây, nông sản nói chung sang Trung Quốc; giữ liên lạc chặt chẽ, trao đổi với các đối tác nhập khẩu để nắm bắt tình hình việc tiếp nhận hàng hóa tại các cửa khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục