Tránh để tình trạng chờ mặt bằng, “ngâm” vốn dự án đầu tư công

17:38' - 04/10/2024
BNEWS UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương nỗ lực hợp tác, tìm kế sách để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tốt nhất.
Sau 9 tháng của năm 2024, tỉnh Quảng Nam mới chỉ giải ngân nguồn vốn đầu tư công được gần 40,8% (3.624/8.884 tỷ đồng), Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ (năm 2023 khoảng 43,8%), thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (42,63%). Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương nỗ lực hợp tác, tìm kế sách để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tốt nhất.

 
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh cho biết: Quảng Nam hiện có hàng nghìn dự án, công trình khắp địa bàn. Không chỉ riêng những dự án vốn lớn địa phương thiếu nhân lực, mà ngay cả khối tỉnh với các ban quản lý chuyên ngành... cũng ì ạch giải ngân. Nguyên nhân chính giải ngân yếu vẫn là việc quản lý, điều hành thiếu quyết liệt, sâu sát; giải phóng mặt bằng kéo dài. Nhân lực phục vụ giải phóng mặt bằng không đủ. Thiếu vật liệu xây dựng thông thường, giá thành cao so với đơn giá lập dự toán. Phần lớn công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường.

Các dự án sử dụng ngân sách Trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phải ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm, khi vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp, vẫn khó điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, để chuyển sang các dự án khác đã có khối lượng và tỷ lệ giải ngân tốt.

Ngoài ra, thời tiết miền núi phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao nên việc thi công bị gián đoạn. Các dự án y tế gặp khó liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị. Dự án sử dụng vốn ODA chậm do xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ rút vốn thường rất lâu.

Còn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền. Nhiều dự án bị vướng đất rừng, quy hoạch vẫn còn, luật chồng chéo và ngay cả nguồn vốn sự nghiệp hơn 100 triệu đồng vẫn phải đấu thầu... dẫn đến ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Các chủ đầu tư, địa phương đều cam kết sẽ giải ngân tối đa vốn đầu tư công năm 2024. Song theo phân tích của các cơ quan quản lý, giải ngân hết vốn đầu tư năm 2024 chỉ là quyết tâm chính trị; không thể nào thực hiện được khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc niên độ tài chính. Số vốn còn lại phải giải ngân khoảng hơn 5.500 tỷ đồng. Nguồn kéo dài 2023 sang rất lớn. Số vốn này chỉ được phép giải ngân trong năm 2024, nên các chủ đầu tư, địa phương sẽ phải ưu tiên cho việc giải ngân hết các nguồn vốn kéo dài này cũng đã là chuyện vô cùng khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, tiến độ giải ngân thấp không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Các chủ đầu tư, địa phương phải xem lại trách nhiệm, nhìn nhận sự yếu kém của mình khi không thể giải ngân hết vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương đặt quyết tâm cao nhất để đạt tỷ lệ giải ngân tốt nhất. Các chủ đầu tư chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng, có thể giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị.

Hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm để điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn trong kỳ họp HĐND tỉnh dự kiến cuối tháng 10/2024 sắp đến. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện. Tránh để tình trạng dự án chờ mặt bằng, “ngâm” vốn, làm giảm hiệu quả đầu tư dự án.

Cùng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị chậm nhất ngày 10/10/2024, nếu tiêu không hết vốn, các chủ đầu tư phải báo cáo và đề xuất UBND tỉnh điều chuyển vốn. Sau ngày 10/10/2024, nếu chủ đầu tư, địa phương không báo cáo thì cuối năm làm không xong sẽ bị xử lý trách nhiệm. Người đứng đầu, người phân công phụ trách sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Tỉnh Quảng Nam đang tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp phép khai thác, vận chuyển khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, công trình chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025.

Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 từ các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao, có nhu cầu đảm bảo theo quy định. Người đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp dự án không giải ngân hết, bị hủy dự toán kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài trong khi dự án vẫn còn khối lượng thực hiện. Hoàn thiện việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và kế hoạch đầu tư công năm 2025 để triển khai thực hiện. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục