Trào lưu "tiết kiệm" của giới trẻ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Trung Quốc?

06:30' - 11/10/2022
BNEWS Trào lưu tiết kiệm trỗi dậy ở Trung Quốc trong gần hai năm trở lại đây, các nội dung liên quan đến “chiến lược tiết kiệm tiền”, “chủ nghĩa tối giản”… xuất hiện liên tục trên các nền tảng xã hội.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, trào lưu tiết kiệm trỗi dậy ở Trung Quốc trong gần hai năm trở lại đây, những nội dung khác nhau liên quan đến tiết kiệm như “chiến lược tiết kiệm tiền”, “đại pháp tiết kiệm tiền”, “hạ cấp tiêu dùng”, “chủ nghĩa tối giản”… xuất hiện liên tục trên các nền tảng xã hội, từng bước thay thế các bài đăng khoe khoang giàu có thịnh hành một thời, trở thành nội dung bắt mắt nhất trên mạng Internet. “Nhân gian tỉnh táo, tiền kiếm được phải giữ chặt” trở thành câu nói vàng trên mạng, thậm chí được in trên áo phông, trở thành lời răn mang theo mình của giới trẻ.  

Trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một đoạn như thế này: 10 năm trước, nếu có người chỉ vào giày của mình nói rằng “3.000 nhân dân tệ (NDT), khoảng 420 USD, mua từ nước ngoài”, anh ta sẽ trở thành chàng trai đỏm dáng nhất trường. Hiện nay, muốn đạt được vị trí như vậy thì câu nói trên sẽ được đổi thành “30 NDT, mua ở chợ đồ cũ, dễ mang, bền và không đau chân”.   

Trên trang mạng xã hội Douban.com cũng lần lượt xuất hiện nhiều nhóm kêu gọi chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, một nhóm có tên gọi “những kẻ đi ngược chủ nghĩa tiêu dùng không muốn mua sắm” được thành lập vào cuối năm 2020 đã thu hút hơn 300.000 thành viên tham gia. Các nhóm tương tự như vậy còn bao gồm “nếu chúng ta có thể vui vẻ bằng cách không tiêu dùng”, “trung tâm nghiên cứu ít tiêu dùng”, “chống lại hiệu quả chủ nghĩa tiêu dùng”, những nhóm này phần lớn được thành lập sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.

Những nhóm này có một chức năng rõ ràng, giúp cư dân mạng tìm lời khuyên trong nhóm trước khi tiêu dùng, nhờ các cư dân mạng khác giúp mình xua tan ý định tiêu dùng. Những nội dung trên mạng xã hội hài hước nhẹ nhàng này đã phản ánh những thay đổi sâu sắc về quan niệm tiền bạc của giới trẻ Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế và việc làm liên tục ảm đạm, giới trẻ ngày càng thận trọng hơn với tiêu dùng, ý thức tiết kiệm tiền nâng cao đáng kể.     

Giảm thiểu mua sắm và vào bếp nhiều hơn, dịch bệnh làm thay đổi thói quen tiêu dùng

Lý Nguyệt, 28 tuổi, nhân viên hành chính của một doanh nghiệp nước ngoài, trước dịch bệnh hầu như tuần nào cũng tụ tập tiệc tùng và đi chơi cùng bạn bè, mỗi lần như vậy tiêu tốn ít nhất 500 NDT. Cô đồng thời thường không do dự đặt hàng khi nhìn thấy các loại mỹ phẩm mới quảng cáo trên Internet. Tuy nhiên, khi nhớ lại sự thay đổi thói quen tiêu dùng sau dịch bệnh, Lý Nguyệt mới nhận ra rằng lần mua mỹ phẩm gần nhất của mình đã hơn 1 năm trước.

Mặc dù thu nhập của Lý Nguyệt không bị ảnh hưởng sau khi dịch bệnh bùng phát, nhưng bầu không khí xã hội căng thẳng đã ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định tiêu dùng của cô. Trước dịch bệnh, mỹ phẩm và áo quần là chi phí lớn nhất hàng ngày của cô, mỗi tháng có thể lên đến 1.000-2.000 NDT, nhìn chung cô cũng ăn ba bữa trong ngày ở bên ngoài với chi phí khoảng 100 NDT.

Sau dịch bệnh, cô không còn mua mỹ phẩm và áo quần mới để theo kịp trào lưu, mỗi ngày cũng bắt đầu nấu ăn ít nhất một bữa ở nhà. Sự thay đổi này giúp cô tiết kiệm được khoảng 2.000 NDT một tháng.  

Giới trẻ tăng cường tiết kiệm

“Báo cáo tiết kiệm thế hệ 1990 của Yu'e Bao” do Viện nghiên cứu kinh tế mới Trung Quốc (CiNE) phối hợp với Alipay công bố cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2020, số tiền tiết kiệm bình quân của thế hệ 1990 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2019.  

“Báo cáo khảo sát triển vọng dưỡng lão Trung Quốc năm 2021” do Fidelity International (FIL) và Ant Fotune đồng công bố cũng cho thấy, tiết kiệm hàng tháng của những người thuộc độ tuổi từ 18-34 đã tăng từ 20% tỷ lệ thu nhập trong năm 2020 lên 25% trong năm 2021, số tiền tiết kiệm mỗi tháng bình quân đạt 1.624 NDT. Đây là hai con số cao nhất từ năm 2018 trở lại đây.  

Lý Nguyệt ban đầu bị hạn chế bởi các điều kiện khách quan như phong tỏa, ở nhà làm việc…, nên tự nhiên bắt đầu tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, những thay đổi về phương thức sinh hoạt này đã giúp cô phát hiện có quá nhiều khoản chi tiêu không cần thiết trong cuộc sống trước đây, điều quan trọng hơn là sự bất trắc do dịch bệnh gây nên đã giúp cô nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Tiết kiệm tiền dần trở thành một sự lựa chọn chủ động và có ý thức, đồng thời cũng trở thành chủ đề chung của những người lao động trẻ tuổi.

Lý Nguyệt nhấn mạnh: “Trước đây chủ đề thảo luận với bạn bè đều là áo quần và những trào lưu mới nhất, hiện nay là tình hình dịch bệnh, việc làm, cách tiết kiệm tiền… Gần đây xem một số thông tin sa thải nhân viên, việc làm trên thị trường tổng thể ít hơn, sức ép cạnh tranh lớn hơn, mức tăng lương trong tương lai có thể sẽ không lớn, do đó tôi có phần khá lo lắng cho tương lai của mình”.

Kinh tế Trung Quốc đối diện thách thức nghiêm trọng, giới trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Kinh tế Trung Quốc năm nay đối diện với thách thức nghiêm trọng, giới trẻ trở thành một trong những nhóm bị tác động nặng nề nhất. Theo số liệu do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở thành thị thuộc độ tuổi từ 16-24 vẫn duy trì ở mức cao 18,7% trong tháng Tám. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội trong năm nay nhìn chung cũng suy yếu, từng tăng trưởng âm 11,1% trong tháng Tư, chỉ mới phục hồi tăng 5,4% so với cùng kỳ trong tháng Tám.   

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc người dân Trung Quốc mất đi sức sống tiêu dùng, rất có thể sẽ kéo sụt tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Cùng với dịch bệnh bước vào năm thứ ba, thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Trung Quốc có thể đã thay đổi mãi mãi. Ngay cả sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, xác suất thực tế của “tiêu dùng trả đũa” trên quy mô lớn mà các giới bên ngoài dự đoán trước đây sẽ ngày càng mịt mờ hơn.    

Lý Nguyệt thẳng thắn chia sẻ, cô và bạn bè xung quanh sẽ không còn hướng đến lối sống xa xỉ, sẽ kiềm chế những khát khao này do điều kiện thực tế hiện nay. Cô cho rằng, một khi cuộc sống khôi phục bình thường, thói quen tiêu dùng của mình có thể sẽ phục hồi chút ít về mức trước dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã giúp cô nhìn thấy sự bất trắc của cuộc sống, cảm giác bất an này dự kiến sẽ không hoàn toàn mất đi, đồng thời ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng sau này của cô.   

Đàm Cương Cường - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý của thành phố Trùng Khánh - phân tích cho rằng, trào lưu tiết kiệm tiền hiện nay là một kiểu tự khỏa lấp và kìm hãm bản thân trong thời kỳ dịch bệnh, hành vi này đã trở thành một đặc trưng thời đại, không chỉ là một hiện tượng tạm thời.

Chuyên gia này nhấn mạnh, giới trẻ nên là những người theo đuổi thời trang và là nhóm sẵn sàng tiêu dùng nhất. Những thay đổi về quan niệm tiêu dùng của họ có thể khiến cho nền kinh tế không thể sôi động trở lại, ngày càng nhiều doanh nghiệp khó tiếp tục tồn tại, ảnh hưởng hơn nữa đến thu nhập của giới trẻ, hơn nữa những tác động này sẽ diễn ra lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục