Trên 10 tỷ đồng hỗ trợ nông, ngư dân sản xuất

16:24' - 17/12/2024
BNEWS Theo Kế hoạch chương trình Khuyến nông năm 2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động trên 10,4 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nông - ngư dân đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng cường hỗ trợ nông - ngư dân phát triển sản xuất thông qua việc tiếp cận với các hoạt động khuyến nông, thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Kế hoạch chương trình Khuyến nông năm 2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động trên 10,4 tỷ đồng từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương và vốn đối ứng để hỗ trợ các hộ nông - ngư dân đẩy mạnh phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và tập huấn nâng cao kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10 - 25% so với sản xuất truyền thống, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đa dạng hóa sản xuất và nâng cao hiệu quả, tỉnh lựa chọn triển khai các mô hình nông nghiệp tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương để làm cơ sở triển khai nhân rộng như: Mô hình trồng thâm canh cây dưa lưới, trồng giống nho NH01-152 trong nhà màng theo hướng hữu cơ; trồng thâm canh cây tỏi theo hướng VietGAP; hỗ trợ vật tư thiết yếu cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; san phẳng đồng ruộng bằng tia laser; xử lý tuần hoàn chất thải trong chăn nuôi lợn; dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dê, cừu để xuất khẩu; dự án chăn nuôi cừu sinh sản vùng Duyên hải Nam Trung bộ; xây dựng mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, UBND tỉnh giao ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nhóm giải pháp, bao gồm: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định; nhân rộng một các mô hình sản xuất hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập cho người dân, nhất là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp, đặc biệt là công nghệ tưới tiết kiệm nước ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các địa phương huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình trình diễn theo các hướng phục vụ chuyển đổi cây trồng; cải tiến hợp lý quy trình sản xuất; chú trọng phát triển cây, con chủ lực sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP; phát triển khai thác hải sản xa bờ; chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản mới có hiệu quả.

Đổi mới tập huấn kỹ thuật nông nghiệp theo phương pháp FFS (lớp học hiện trường) và phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thông tin thị trường, giá cả; mở rộng công tác xét nghiệm bệnh tôm, nâng cao chất lượng xét nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người nuôi tôm trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, năm 2024 nhờ thực hiện đúng lịch thời vụ, điều tiết nước hợp lý và ứng dụng công nghệ cao giúp ngành nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, diện tích sản xuất chủ động tưới tăng lên 62,38 %, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 83.980 ha (vượt 6,2% kế hoạch), chuyển đổi 1.785ha cây trồng cho giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất bình quân đạt 153 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng/ha so với năm trước. Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh mẽ với diện tích trên 825 ha cho giá trị sản xuất bình quân đạt 938 triệu đồng/ha, vượt 34% so kế hoạch.

Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích hơn 4.903 ha các loại cây lúa, nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, điều và một số loại cây ăn quả; duy trì 36 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 5.014ha; cấp 57 mã số vùng trồng với diện tích trên 391ha; xây dựng 70 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 15.254ha. Các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ các sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa... tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận thị trường. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2024 ước đạt khoảng 14.360 tỷ đồng, tăng 4,94% so với năm trước./.

Nguyễn Thành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục