Trên 3.000 địa điểm bán nông sản an toàn theo chuỗi

15:14' - 05/01/2019
BNEWS Đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi nông sản an toàn thực phẩm với 1.096 chuỗi, tăng 350 mô hình so với năm 2017.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số trên tương ứng với 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. 

Trên 3.000 địa điểm bán nông sản an toàn theo chuỗi. Ảnh: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương.

Các địa phương thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn. Mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh, kiểm tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm; tham gia tích cực hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.

Theo đó, năm 2019, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 98,5%; tỷ lệ cơ sở thủy sản và nông sản xếp loại C được nâng hạng A/B đạt 65%.

Tỷ lệ mẫu thủy sản được giám sát đạt yêu cầu về tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất cấm đạt 98%; tỷ lệ mẫu sản phẩm động vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về hóa chất, kháng sinh đạt 90% và tỷ lệ mẫu sản phẩm thực vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật đạt 10%.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh việc phát triển các chuỗi, các đơn vị cũng nâng cao hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất; kiểm soát khá tốt việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất, chế biến. Theo đó đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

Từ năm 2018, Bộ triển khai các Chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên cả nước. Kết quả cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2017.

Cụ thể: không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; không phát hiện mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu kháng sinh trong 760 mẫu lấy (năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục