Truy xuất nguồn gốc nông sản Việt và câu chuyện thâm nhập thị trường thế giới

11:01' - 22/12/2018
BNEWS Doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới ổn định và chỗ đứng lâu dài ở sân chơi này, tất yếu phải làm theo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu.
Ngành cà phê đang đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu khoa học, chọn tạo ra các giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa năng suất tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Xu hướng tiêu dùng toàn cầu là đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới ổn định và chỗ đứng lâu dài ở sân chơi này, tất yếu phải làm theo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu.

*Thông tin trở thành hàng hóa có giá trị

Với tốc độ phát triển sản xuất, tiêu dùng hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Để chứng minh hoạt động truy xuất nguồn gốc, hầu hết các doanh nghiệp lẫn người sản xuất đều phải thực hiện thông qua các loại chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ASC, BAP, ISO… Tuy nhiên, không phải người sản xuất nào cũng có thể thực hiện và đăng ký các chứng chỉ này.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, sau khi tiến hành khảo sát người sản xuất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu được kết quả, chỉ có 18% người sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, còn lại là có nghe nói đến VietGAP nhưng chưa làm.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên tại khu vực này thực hiện tốt tiêu chuẩn VietGAP. Cả tỉnh có 70 Hợp tác xã, Tổ Hợp tác và cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng thành các mô hình Hội quán – nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và thông tin của những người sản xuất cùng sản phẩm, cùng loại hình.

Thêm một thực tế được những người sản xuất của khu vực này chia sẻ là, sau một thời gian dài áp dụng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, họ trở nên “thất vọng”.

Bởi vì, dù sản phẩm được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, nhưng nếu không liên kết trực tiếp với doanh nghiệp và được doanh nghiệp thu mua, giá trị sản phẩm chỉ nhỉnh hơn một chút so với các sản xuất thông thường.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Đặng Trung, Đại diện Công ty Real-time Analytics cho biết, người sản xuất muốn cải thiện tình trạng hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, có tất cả chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm, thì họ phải biết nâng cao giá trị sản phẩm thêm một bậc. Đó là tạo ra thông tin đầy đủ cho sản phẩm của mình.

Theo ông Trung, các khách hàng nội địa cũng như trên thế giới hiện nay luôn tìm kiếm thông tin sản phẩm thông qua các ứng dụng và internet.

Những sản phẩm nào có đầy đủ thông tin từ khâu tiền sản xuất đến sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Do đó, thông tin sản phẩm ngày càng trở thành hàng hóa có giá trị song song với sản phẩm.

Đây cũng là cách giúp người sản xuất kết nối với doanh nghiệp phân phối và cả các kênh bán lẻ trên toàn thế giới.

*Công nghệ 4.0 kết nối hiệu quả hơn

Từ tiêu chuẩn VietGAP tiến đến GlobalGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác như SIMP, ASC, BAP… là một quá trình dài thay đổi cách sản xuất cũng như thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị cây, con giống, nguồn nước đến xử lý môi trường.

Hàng nông sản phong phú chủng loại kinh doanh tại kênh bán lẻ hiện đại. Ảnh: Mỹ Phuong - TTXVN

Vì vậy, hiện nay, tiêu chuẩn GlobalGAP là một tiêu chuẩn rất khó thực hiện, cũng là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm nông sản Việt ra những thị trường đang phát triển, song song với những thị trường khó tính.

Vì vậy, các doanh nghiệp cũng như người sản xuất Việt phải thực hiện từng bước để tiệm cận dần đến mục tiêu này.

Ông Phạm Việt Anh, Đại diện GlobalGAP tại Việt Nam chia sẻ, trước khi thực hiện GlobalGAP, các doanh nghiệp có thể thực hiện trước tiêu chuẩn LocalGAP.

Đây là tiêu chuẩn trung gian của VietGAP và GlobalGAP do Tổ chức Bureau Veritas Việt Nam đưa ra để người sản xuất làm quen dần những thói quen sản xuất khắt khe theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Hơn nữa, với tiêu chuẩn “cầu nối” này, các thông tin liên quan đến sản xuất sản phẩm sẽ được ghi chép đầy đủ nhất, làm bàn đạp cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng trở nên “khó tính hơn” để “uốn nắn” dần người sản xuất.

Để thực hiện dễ dàng, người sản xuất lẫn doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ 4.0 vào quá trình thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất.

Nhật ký điện tử trên điện thoại thông minh là một giải pháp tối ưu để giúp nông dân thuận tiện hơn trong sản xuất. Bằng cách này, người sản xuất dễ dàng hơn khi thực hiện ghi chép kịp thời kể cả lúc trời mưa.

Với các ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử như rtWork và rtHome, người sản xuất chỉ cần chạm vào biểu tượng và điền thông số vừa thực hiện.

Ứng dụng có chế độ tự lưu từ thao tác đầu tiên đến những thông số đã được thay đổi để tránh trường hợp người sản xuất gian lận, thiếu minh bạch trong thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm trong thu mua sản phẩm và người tiêu dùng được đối xử công bằng đối với từng sản phẩm họ tiêu thụ, ông Lê Đặng Trung cho biết.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất cũng là điều nhiều người sản xuất mong muốn hiện nay. Bởi, người sản xuất Việt Nam không có thói quen ghi chép, cũng không có thói quen mang theo giấy bút.

Ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết, ghi chép nhật ký sản xuất vốn là điều mà Antesco đau đầu trong suốt thời gian liên kết với người sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Luận, để có được nguồn nguyên liệu minh bạch phục vụ xuất khẩu, Antesco đã đưa kỹ thuật viên nông nghiệp theo sát những người sản xuất, mới nắm được trọn vẹn thông tin sản xuất.

Khi đã có ứng dụng tiện lợi, người sản xuất lại thích thú và làm rất tốt nhiệm vụ này. Phía doanh nghiệp cũng có thông tin cập nhật mỗi ngày để trả lời cho các khách hàng khó tính trên thế giới.

Như vậy, bằng sự phát triển của công nghệ 4.0, cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp đều thuận lợi trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường, tránh được hiện tượng hàng chất lượng cao nhưng giá trị thấp do chưa kết nối được với người tiêu dùng đang cần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục